Quảng Ninh - Hải Dương - Bắc Giang triển khai liên kết vùng theo chiều sâu Quảng Ninh: Tổng kết thực hiện nghị quyết số 54-NQ/TW |
Theo đánh giá của đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54: Vấn đề phát triển vùng, liên kết vùng được đề cập trong Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII có nhấn mạnh tới việc xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian phát triển của quốc gia, của các vùng một cách hợp lý để phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, mỗi địa phương, tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng, tạo điều kiện tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị của toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc khi có sân bay, đường cao tốc và hệ thống cảng biển hiện đại tạo tiền đề cho việc tạo liên kết vùng Các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư, đưa vào khai thác đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, thuận lợi, hiệu quả và an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế. Trong đó, kết quả ấn tượng nhất là đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái, cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh, Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT), Cảng khách quốc tế Hòn Gai, Cảng khách quốc tế Tuần Châu và hiện đang kêu gọi đầu tư các cảng lớn trên địa bàn tỉnh gồm: Vạn Gia - Hải Hà, Mũi Chùa, Cô Tô, Cẩm Phả, Hòn Gai, Quảng Yên và hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông kết nối đến các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế.
Trước đó, Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ năm 2016; Ký biên bản hợp tác các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng thủ đô Hà Nội giai đoạn 2017-2020; thống nhất ban hành Kế hoạch điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ giai đoạn 2017-2020. Tỉnh chủ động triển khai nhiều nội dung ký kết biên bản hợp tác các tỉnh, thành phố trong vùng như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng trong thực hiện một số nội dung hợp tác kinh tế và đạt được những kết quả quan trọng…
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh luôn duy trì ở mức cao hơn so với bình quân của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 10,12%/năm. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng đạt 10,05%, đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2021 mặc dù bị tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 song tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh vẫn duy trì tăng trưởng 2 con số, đạt 10,28% (đứng thứ 2 cả nước, sau Hải Phòng). GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 176,32 triệu đồng/người, gấp 15 lần so với năm 2005 (11,53 triệu đồng/người), tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng.
“Quảng Ninh đã làm rất tốt việc chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh" và cần tiếp tục duy trì kết quả này trong xu thế phát triển mạnh mẽ công nghiệp 4.0, công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại gắn với bảo vệ môi trường. Quảng Ninh là địa phương đi đầu, chủ động trong triển khai liên kết vùng và điều này giúp cho Quảng Ninh trở thành là cực tăng trưởng ở phía bắc” - Đồng chí Trần Tuấn Anh nhận định.
17 năm qua, Nghị quyết 54 đã được triển khai thực hiện với một quyết tâm chính trị rất cao tại Quảng Ninh |
Để tiếp tục khẳng định một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc và tương lai là của cả nước, thời gian tới, Quảng Ninh cần tiếp tục quan tâm công tác xây dựng, hoàn thành quy hoạch, quản lý, tổ chức triển khai quy hoạch, trong đó, nhấn mạnh hơn nữa về sự thống nhất nhận thức và khát vọng cao qua các thế hệ lãnh đạo, của Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Ninh, sự đoàn kết, vào cuộc của cả hệ thống chính trị thể hiện qua công tác quy hoạch. Tiếp tục phát huy những tiềm năng để Quảng Ninh phát triển và trở thành tỉnh tiêu biểu cả nước về mọi mặt, giàu đẹp, văn minh, hiện đại và đặc biệt là những mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh và những mô hình phát triển kinh tế mới; khai thác tốt các cơ hội phát triển từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số….
Trong định hướng phát triển, cần cân nhắc các điều kiện để tiếp tục tăng cường hỗ trợ thúc đẩy hình thành doanh nghiệp tại địa phương; tiếp tục đổi mới tư duy, khơi dậy niềm tin, tự hào, khát vọng phát triển; phát huy, khai thác tốt hơn vị trí địa chính trị, địa kinh tế, nhất là tiềm năng kinh tế đa dạng của Quảng Ninh; gắn kết giữa phát triển nhanh, bền vững với phát triển văn hóa con người, giàu bản sắc; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; tăng cường thực hiện nhiệm vụ kết hợp quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế xã hội.Qua báo cáo, các ý kiến tham gia tại hội nghị và đặc biệt là thực tiễn tại Quảng Ninh minh chứng cho thấy, 17 năm qua, Nghị quyết 54 đã được triển khai thực hiện với một quyết tâm chính trị rất cao tại Quảng Ninh nói riêng, cũng như trong cả phạm vi cả vùng đồng bằng Bắc bộ. Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại những thay đổi rất cơ bản, to lớn cho tỉnh Quảng Ninh. Cũng thông qua vai trò của tỉnh trong liên kết vùng đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của cả khu vực. Điều đó thể hiện, Quảng Ninh đã có sự vào cuộc, lãnh đạo chỉ đạo toàn diện, huy động sự vào cuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết một cách đồng bộ, quyết liệt, có hệ thống. Các mục tiêu, giải pháp được cụ thể hóa với những chỉ tiêu có thể định lượng được.
“Trong vấn đề chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, Quảng Ninh cần phải quyết liệt hơn nữa, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các đề án của lĩnh vực chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội tăng trưởng bền vững”- đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) đánh giá: Thời gian qua, việc tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh chưa thực sự đạt được như mong muốn. Quy mô công nghiệp chế biến chế tạo so với các tỉnh trong vùng còn khiêm tốn, liên kết giữa các vùng cũng chưa thực sự rõ nét.
Do vậy, thời gian tới Quảng Ninh cần tập trung hoàn thiện quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021- 2030 bám sát nhiệm vụ quy hoạch đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt. Trong đó kịp thời đưa các quy hoạch quốc gia điện, năng lượng, khoáng sản, xây dựng hạ tầng dự trự xăng dầu và quy hoạch chung của tỉnh. Bên cạnh đó, đặc biệt khai thác tốt các lợi thế điều kiện tự nhiên của tỉnh, lựa chọn phát triển ngành công nghiệp ven biển, công nghiệp phụ trợ liên quan đến ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chuyển dịch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) tham gia ý kiến tại hội nghị. |
Ngoài ra, cần cụ thể hóa những nhiệm vụ theo Nghị quyết số 23-NQ/TW. Ưu tiên lựa chọn các ngành công nghiệp có yếu tố lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, có giá trị sáng tạo cao, nâng cao khả năng cạnh tranh trong sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và trình độ quản lý công nghiệp, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa hiện đai hóa của tỉnh Quảng Ninh.
“Tỉnh Quảng Ninh cần có chính sách định hướng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp hợp lý. Xây dựng chính sách phù hợp về hạ tầng trước xu hướng chuyển dịch công nghiệp từ quốc tế về Việt Nam, trên cơ sở đó huy động mọi nguồn lực trọng yếu phục vụ cho các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển…” – đồng chí Nguyễn Hoàng Giang khẳng định.