Khai thông gói tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản
Hiện cả nước có gần 1.200 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thực hiện tín dụng nội bộ, chưa tới 10% tổng số HTX nông nghiệp cả nước. Lượng vốn mà các HTX huy động chỉ ở mức bình quân 600 triệu đồng/HTX, nhiều thành viên góp ít vốn hoặc thậm chí là không góp vốn dù trong Luật HTX có quy định.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng tín dụng cho chuỗi HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, vướng mắc và giải pháp tín dụng hiện nay. Đồng thời kiến nghị các cơ quan, ban ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa tới các HTX, trong đó có hoạt động tín dụng nội bộ; có chính sách phù hợp cho HTX vay vốn để phát triển chuỗi liên kết sản xuất…
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) |
Nhìn nhận về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân lĩnh vực nông nghiệp, ở mức 12,77% và tín dụng nông sản phục vụ xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, rau quả, cà phê… chiếm 40%), có 80 tổ chức tín dụng, 1.200 quỹ tín dụng nhân dân, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá đã có sự vào cuộc đồng hành của ngân hàng với doanh nghiệp, bà con nông dân trong những năm qua, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành nông nghiệp.
Trong đó, cho vay nông nghiệp, tập trung sản xuất là 60% dư nợ, cho vay vào thu mua tiêu thụ khoảng 17%, cho vay vào chế biến khoảng 13%. Tỷ lệ này trong thời kỳ mới theo Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới tập trung vào khâu giá trị gia tăng.
Trước thực tế đang tồn tại, ông Toản đưa ra kiến nghị về việc cần thay đổi về mặt kết cấu để đáp ứng trực diện hơn vào các khu vực trọng yếu tạo giá trị; cần đáp ứng nhu cầu vốn nhiều hơn so với quy mô của các HTX; tiếp cận vốn vay ưu đãi do số lượng giải ngân hiện nay chỉ ở mức khiêm tốn 12,68%. Nông nghiệp là lĩnh vực còn nhiều dư địa, mang lại giá trị kinh tế, do đó hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản cần được xem xét như một tài sản bảo lãnh trong vấn đề xét duyệt cho vay đối với doanh nghiệp; xây dựng sản phẩm liên kết ngân hàng bảo hiểm đối với nông nghiệp.
Cũng tại diễn đàn, trước các ý kiến chia sẻ của doanh nghiệp và HTX, ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) khẳng định, về phía ngân hàng, luôn xác định các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX là một trong những đối tượng được ưu tiên. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng cho các đối tượng này tối đa là 4,5%/năm.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, tái cấp vốn cho ngân hàng chính sách xã hội để cho vay với người sử dụng lao động dùng trả lương cho người lao động.
Hiện nay, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 25% dư nợ toàn nền kinh tế, với hơn 14 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm chiếm 22,3% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Ông Tuấn Anh cũng tán thành với các HTX về việc cải thiện các quy trình thủ tục cùng với việc mở các lớp đào tạo, tập huấn cho HTX về tài chính, kế toán để có phương án xây dựng kế hoạch kinh doanh.
“Bên cạnh đó, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành sớm triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đi vào thực tiễn”, đại diện Vụ Tín dụng cho biết thêm về phương án gỡ khó cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX trong tiếp cận vốn.