Kết nối tiêu thụ nông sản tại thị trường Hà Lan và các nước khu vực Bắc Âu
Sự kiện do Tổ Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức. Diễn đàn Kết nối tiêu thụ nông sản tại thị trường Hà Lan và các nước khu vực Bắc Âu cũng nằm trong chuỗi hoạt động Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 22 - AgroViet 2022.
Ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phát biểu tại Diễn đàn |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, khu vực Bắc Âu (nhất là Hà Lan - thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam tại EU, sau thị trường Đức) mặc dù dân không lớn nhưng kim ngạch nhập khẩu của các nước Bắc Âu khá ấn tượng với sự có mặt của nhiều tập đoàn phân phối nông sản thực phẩm lớn. Đây là cơ hội cho nhiều mặt hàng nông sản từ Việt Nam xuất khẩu vào các nước Bắc Âu và EU như gạo, cà phê, hồ tiêu, trái cây, thuỷ sản, hạt điều....
Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực EU nói chung và Bắc Âu nói riêng.
Tuy nhiên, thị phần của nông sản Việt Nam tại thị trường Bắc Âu và EU còn rất thấp (khoảng 4% của thị trường EU trên 160 tỷ USD/năm), do nhiều khó khăn, nhất là quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ (để được hưởng ưu đãi về thuế), thiếu các thương hiệu lớn và chưa có sự am hiểu về thị trường EU.
Tại Diễn đàn các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng nhau chia sẻ thông tin về đổi mới kênh xuất khẩu sang thị trường nước ngoài; công tác tổ chức sản xuất, chế biến nông sản nhằm nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường EU; nhu cầu nông sản tại thị trường các nước Bắc Âu và cơ hội cho nông sản Việt. Bên cạnh đó, cũng diễn ra các phiên thảo luận, chào mua, chào bán của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển – nhận định, dư địa Bắc Âu để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác còn rất lớn. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu nông sản sang thị trường này, Việt Nam còn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Bắc Âu tương đối xa và chưa có đường bay thẳng đến khu vực này nên rất khó cạnh tranh.
Danny Green đã chuẩn bị diện tích đất khoảng 120ha tại Ninh Thuận và 15 hệ thống nhà màng để phục vụ sản xuất dưa lưới hữu cơ với chất lượng ngang tầm Nhật Bản. Với tên tuổi và thương hiệu trên thị trường hơn 10 năm, sản phẩm dưa lưới của Danny Green đã đạt chứng nhận GAP Nhật Bản và USDA của Hoa Kỳ và chuẩn bị chứng nhận châu Âu. Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Trần Phong Lan - đại diện Công ty Danny Green mong muốn giới thiệu và tìm kiếm cơ hội đưa sản phẩm hữu cơ, một trong những sản phẩm cao cấp của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu, một trong những thị trường khó tính trên thế giới.
Toàn cảnh Diễn đàn |
Về phía nhà mua, ông Như Nguyễn - Giám đốc Công ty VIEC tại Hà Lan – cho hay, tuy Hà Lan chỉ có 17 triệu dân nhưng lại là thị trường 'cửa ngõ' nhập khẩu và tái xuất sang các thị trường EU khác. Do đó, nếu muốn đưa các sản phẩm vào thị trường Hà Lan, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược dài hạn, cần phải thực hiện nhiều bước để quảng bá thương hiệu nông sản để người tiêu dùng hiểu được giá trị của nông sản đó. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt được văn hóa tiêu dùng, văn hóa trong kinh doanh, xuất nhập khẩu của các đối tác tại Hà Lan.
Về công tác tổ chức sản xuất, chế biến nông sản nhằm nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường EU, ông Triệu Thành Nam - Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ) - cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào thương hiệu, cũng như nâng cao chất lượng để tổ chức sản xuất và chế biến nông sản đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của châu Âu. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan hỗ trợ bà con nông dân, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã đi theo chuỗi giá trị ngành hàng nhằm nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm xuất sang EU.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, thị trường Bắc Âu còn nhiều dư địa để phát triển và đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao và khắt khe. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta coi đó là khó khăn. Câu hỏi đặt ra là ta lựa chọn ‘vũ khí’ gì để chinh phục thị trường này? Muốn thực hiện được chúng ta cần dựa theo sự hiểu biết và thông tin đầy đủ. Ví dụ như việc lựa chọn các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, các sản phẩm 'đường xa đi nhẹ' nhưng có giá trị cao để xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu, ông Nguyễn Quốc Toản việc lựa chọn các mặt hàng đủ lực, đủ mạnh, cùng với hàm lượng chế biến ngày càng được nâng cao, sự chăm chút của cộng đồng doanh nghiệp cho khâu đóng gói, bao bì, nhãn mác và sở hữu trí tuệ là những yếu tố rất quan trọng. Để có thể triển khai những công việc đó một cách hiệu quả, cần sự kết nối tổng thể giữa hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý Nhà nước, các tham tán thương mại.