Hợp tác xã phát huy vai trò ‘trụ đỡ’ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An
Giúp kết nối người dân nhỏ, lẻ
Tại huyện miền núi Tương Dương (tỉnh Nghệ An), nhiều năm nay với lợi thế về nguồn nước mặt, nhiều hộ dân ở xã Yên Na, Lượng Minh, Hữu Khuông, Tam Đình (huyện Tương Dương) đã tận dụng để nuôi thả cá lồngtrên lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ, khe Bố. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức phòng bệnh cho cá, thiếu kỹ thuật nuôi cá và đặc biệt là do "mạnh ai nấy nuôi", thiếu sự liên kết giữa các hộ nên cá chậm lớn, sản lượng thấp, thất thoát nhiều và đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Vậy nên, hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lồng mang lại không cao.
Việc phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đã giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động, tạo sinh kế, góp phần nâng thu nhập cho bà con miền núi, nhiều hộ dân trên địa bàn nhờ nuôi cá đã thoát nghèo bền vững. Ảnh: Khu vực nuôi cá lồng trên lòng hồ ở đập thuỷ điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương. |
Theo chia sẻ của bà Hà Thị Hương, dân tộc Thái - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Đình Phong, từ sản xuất đơn lẻ và quy mô nhỏ, mỗi hộ chỉ có rất ít lồng cá, sau khi thành lập hợp tác xã vào năm 2020, các hộ dân tham gia vào hợp tác xã được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn để thụ hưởng chính sách từ Nhà nước, đặc biệt là tìm đầu ra cho con cá; các hộ dân là thành viên hợp tác xã đã đầu tư thêm lồng nuôi, đến nay có 13 thành viên, với 68 lồng cá.
"Từ chỗ chỉ biết làm nương rẫy và đánh bắt cá trên các dòng suối và lòng hồ thuỷ điện Khe Bố, nhiều hộ dân đang chuyển sang nuôi cá hàng hoá như: cá leo, cá lăng đen, cá trắm đen, cá bọp, cá vược… đem lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho các gia đình. Thị trường tiêu thụ cá của hợp tác xã không chỉ trong nội huyện mà còn có mặt dưới xuôi”- bà Hương chia sẻ.
Bà Vi Thị Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đình cho biết: Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Đình Phong hiện được đánh giá là hoạt động tốt, hiệu quả cao. Ngoài hỗ trợ xã viên kiến thức chăn nuôi, hướng dẫn bà con cách nuôi gối vụ để có cá bán quanh năm thì hợp tác xã đã kết nối để tạo đầu ra ổn định cho cá lồng của xã viên.
"Mỗi năm, 800kg cá lồng của các hộ dân được các nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng thực phẩm ở Nghĩa Đàn, TP.Vinh, Anh Sơn, Con Cuông bao tiêu, cá đạt trọng lượng là xuất bán hết, không tồn đọng. Đặc biệt, gần đây, nhiều thành viên trong hợp tác xã còn mạnh dạn đầu tư dịch vụ ẩm thực từ cá, phục vụ du khách ngay trên các lồng bè. Nhờ vậy, thu nhập ngày càng được nâng cao. Hiện nay, thu nhập mỗi thành viên đạt gần 100 triệu đồng/năm”, bà Vi Thị Vân nói.
Người dân trên những lồng bè nuôi cá thương phẩm của gia đình. |
Ở huyện miền núi Con Cuông, hiện có 37 hợp tác xã, trong đó có 17 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong số đó có một số hợp tác xã đã xây dựng được các kênh kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên là người dân tộc thiểu số. Tiêu biểu trong số đó là hợp tác xã cây con xã Chi Khê; hợp tác xã dịch vụ ăn uống du lịch cộng đồng, bản khe Rạn; hợp tác xã mây tre đan Bản Diềm xã Châu Khê...
Đặc biệt, ở hợp tác xã Dược liệu Pù Mát của ông Phan Xuân Diện (huyện Con Cuông), sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất giống, trồng cây nguyên liệu đến sơ chế, chế biến thành các sản phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ, gồm trà dược liệu túi lọc và cao cà gai leo, giảo dây thìa canh; trà hoà tan dây thìa canh, cà gai leo; trà dược liệu giảo cổ lam.
Ông Phan Xuân Diện chia sẻ, hợp tác xã này hiện thu hút 130 thành viên là các hộ dân người dân tộc thiểu số tham gia vào chuỗi sản xuất với diện tích hơn 15 ha nguyên liệu và mục tiêu trong tới tiếp tục mở rộng lên 32 ha với 120 thành viên tại 7 xã trên địa bàn huyện. Từ ngày hình thành hợp tác xã đã mang lại hiệu quả cho bà con dân tộc vùng thiểu số. Cụ thể, hợp tác xã cung cấp giống, kỹ thuật, bên cạnh đó còn đảm bảm bao tiêu sản phẩm, cả đầu vào và đầu ra cho bà con.
Nhiều giải pháp để phát triển hợp tác xã khu vực miền núi
Hiện nay, tại 11 huyện miền núi ở Nghệ An có 318 hợp tác xã, tạo việc làm cho gần 30.000 lao động với mức thu nhập trung bình đạt 3,6 triệu đồng/lao động/tháng. Trong đó có 137 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, chiếm 43%. Theo đánh giá, tại các địa phương miền núi, hợp tác xã đã mở rộng phát triển theo mô hình liên kết chuỗi, thu hút nhiều thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Đồng thời tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao.
Chăm sóc rau màu trong nhà lưới tại Hợp tác xã Thịnh Phát huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. |
Đặc biệt, trên nền tảng mạng xã hội các hợp tác xã đã xây dựng các website, đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trực tuyến nhằm tìm kiếm thị trường, tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng từ các vùng miền khác nhau… Bên cạnh đó, thông qua hợp tác xã đã phát huy được thế mạnh của các địa phương miền núi, “chắp cánh” để các sản vật vùng cao được quảng bá và trở thành hàng hoá, mang lại thu nhập cao cho người dân. Cụ thể như: bò giàng, lạp xưởng ở Tương Dương, Kỳ Sơn; dược liệu như chè hoa vàng ở Quế Phong, dây thìa canh, giảo cổ lam ở Con Cuông hay các sản phẩm dệt thổ cẩm, mây tre đan của Quỳ Châu, Con Cuông, Tân Kỳ…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên minh hợp tác xã tỉnh Nghệ An, các hợp tác xã miền núi hiện nay vẫn tồn tại các điểm yếu như: Quy mô của các hợp tác xã hầu hết còn nhỏ, số lượng thành viên ít. Hoạt động của hợp tác xã chủ yếu mới làm tốt dịch vụ đầu vào, chưa làm tốt khâu tiêu thụ sản phẩm. Mặc khác, nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, chưa chú trọng xây dựng liên kết chuỗi giá trị; quy mô sản xuất của một số hợp tác xã vẫn còn nhỏ lẻ, chưa gắn được với thị trường, thiếu đội ngũ nhân lực quản trị và lao động đã qua đào tạo, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, khó tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng...
Ông Nguyễn Bá Châu - Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh cho biết: “Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác, phát triển theo mô hình hợp tác xã, nhất là sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên, do thiếu nhạy bén nên việc sản xuất tập trung quy mô lớn chưa có, các mô hình sản xuất gắn chuỗi giá trị còn ít. Tại một số địa phương, quá trình hoạt động, các hợp tác xã còn nhiều trở ngại về cơ chế, thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn”.
Theo ông Châu thì giải pháp để nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã miền núi chính là sự vào cuộc, đồng hành tích cực của hệ thống chính trị các địa phương; việc lồng ghép các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ đặc thù của các địa phương miền núi với việc phát triển các mô hình hợp tác xã. Bên cạnh đó, Liên minh hợp tác xã sẽ tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức, năng lực của người quản trị hợp tác xã; tổ chức và kết nối các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ, hội thảo nhằm quảng bá, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của các hợp tác xã. Mặt khác, chính mỗi hợp tác xã, người đứng đầu của các hợp tác xã cũng như các thành viên phải nỗ lực phát huy nội lực, năng động, thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh.
Song song với việc thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025”, với các có dự án thành phần về hỗ trợ nâng cao năng lực sản lĩnh vực nông nghiệp sẽ là nguồn lực để các địa phương miền núi đẩy mạnh việc phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã, phát huy vai trò “bà đỡ” trong phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số.