Chủ nhật 22/12/2024 19:20

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, kết nối giao thương: Đòn bẩy cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá… đã giúp duy trì và tăng số hộ sản xuất, số lao động tại làng nghề, đáp ứng sản lượng, sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu

Hiện, cả nước có 5.411 làng nghề và làng có nghề; số hộ và cơ sở làng nghề ở nông thôn tăng lên với tốc độ bình quân 8,8 - 9,8%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của làng nghề khoảng 15%/năm.

Theo báo cáo của 59/63 tỉnh, thành phố, tính đến 31/12/2019, tổng doanh thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất trong làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) đạt khoảng hơn 55.000 tỷ đồng. Tổng vốn và tài sản của các cơ sở sản xuất trong làng nghề CN-TTCN hơn 14.000 tỷ đồng.

Số lượng lao động tham gia sản xuất, kinh doanh tại các cơ sở sản xuất trong làng nghề CN-TTCN là 1.261.389 lao động, trong đó số lao động thường xuyên 320.105 người (chiếm 25,38%), chuyên gia có tay nghề cao 2.994 người (chiếm gần 0,2%). Thu nhập bình quân của lao động trong làng nghề đạt gần 5 triệu đồng/người/tháng.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, các làng nghề đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội như thu hút nguồn lực trong dân, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú và đa dạng phục vụ nhu cầu xã hội và xuất khẩu; giải quyết lao động, xóa đói, giảm nghèo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới… Một số làng nghề đã thực sự đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường.

Ở các làng nghề hiện đang có xu hướng chuyển sang mô hình tổ chức sản xuất theo kiểu phân công chuyên môn hóa và hợp tác hóa. Các làng nghề CN-TTCN đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,2 triệu lao động nông thôn, thu nhập của lao động trong các làng nghề này thường cao hơn lao động nông nghiệp từ 2-3 lần, qua đó góp phần ổn định an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Các làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xóa đói, giảm nghèo, tăng GDP, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đồng thời góp phần ổn định xã hội, bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của từng vùng miền, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của dân tộc. Phát triển làng nghề huy động nguồn lực trong dân, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có tại địa phương, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, phát huy được kỹ nghệ truyền thống của các nghệ nhân. Hoạt động làng nghề còn tạo các cơ hội giao lưu văn hóa thông qua du lịch...

Về phía Bộ Công Thương, thời gian qua, Bộ đã tổ chức nhiều chương trình nhằm kết nối giao thương, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Mới đây nhất, Hội nghị Quảng bá kết nối sản phẩm làng nghề - góp phần đẩy mạnh thương hiệu Việt Nam năm 2020 đã được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, trở ngại trong thực tiễn quá trình triển khai quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm làng nghề.

Đây đã trở thành cơ hội để các bộ, ban, ngành, địa phương và cơ sở sản xuất làng nghề, nghệ nhân, hợp tác xã (HTX), hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trao đổi, đề xuất một số biện pháp khuyến khích phát triển sản phẩm, mặt hàng lợi thế của vùng miền, tỉnh, thành phố trong cả nước; xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm làng nghề giữa các doanh nghiệp, hộ sản xuất, HTX... với đối tác, chuỗi phân phối. Đây cũng là dịp các đơn vị chia sẻ, kiến nghị định hướng tuyên truyền, quảng bá, kết nối thị trường cho sản phẩm làng nghề trong thời gian tới; đề xuất chính sách khuyến khích, ưu đãi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển và tiêu thụ sản phẩm làng nghề, xây dựng thương hiệu làng nghề…

Từ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hiệu quả đã góp phần duy trì và gia tăng số hộ sản xuất, số lao động tại các làng nghề, đáp ứng sản lượng, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Việc quảng bá, phát triển và xây dựng thương hiệu các làng nghề còn mang lại nhiều lợi ích về mặt xã hội, giúp tạo thêm nhiều việc làm mới, giảm bớt tình trạng thất nghiệp ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho các hộ gia đình và người lao động nông thôn tăng thu nhập ổn định và cải thiện đời sống. Nhiều thương hiệu làng nghề, sản phẩm làng nghề ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng như lụa Hà Đông, sơn mài Hạ Thái (Duyên Thái), tranh dân gian Đông Hồ, sản phẩm thêu Quất Động…

Tiếp tục kết nối giao thương

Xác định tìm đầu ra và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ là giải pháp quan trọng, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực quảng bá, kết nối để tiếp tục đưa những sản phẩm làng nghề Việt Nam tới các điểm bán trên cả nước.

Trong đó, kết hợp với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020, đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử, hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề CN-TTCN xây dựng website giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Tổ chức thực hiện cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng để cơ sở sản xuất làng nghề có định hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp. Xây dựng Bộ tư liệu, thông tin về các làng nghề CN-TTCN trên địa bàn tỉnh, thành phố làm cơ sở quảng bá, phát triển du lịch làng nghề.

Để xây dựng thương hiệu cho các làng nghề, song song với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết phải có sản phẩm tốt. Bên cạnh đó, cần cải tiến về mẫu mã, thiết kế; nâng cao và đảm bảo độ ổn định của chất lượng; có bao bì phù hợp, độc đáo… Cùng với cải tiến mẫu mã phải đảm bảo tính truyền thống và bản sắc vùng miền, địa phương, thậm chí bản sắc của mỗi nghệ nhân trong sản phẩm.

Các làng nghề đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn lực trong dân, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú và đa dạng phục vụ nhu cầu của xã hội và xuất khẩu; giải quyết lao động, xóa đói, giảm nghèo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới…

Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam diễn ra tối ngày 15/12/2020, tại Hà Nội. Đây là năm thứ hai lễ trao tặng được tổ chức trong khuôn khổ Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Xây dựng thương hiệu

Tin cùng chuyên mục