Hà Nội: Mở rộng mạng lưới phân phối, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng
Xu hướng người Việt dùng hàng Việt đã dần phổ biến
Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, những sản phẩm bánh kẹo do doanh nghiệp trong nước sản xuất năm nay đa dạng mẫu mã nên thu hút người tiêu dùng chọn mua. "Hiện sản phẩm bánh kẹo Việt Nam cùng một thương hiệu nhưng có nhiều thiết kế loại hộp giấy, hộp thiếc, hộp nhôm... với kích cỡ, hương vị đa dạng để người tiêu dùng có lựa chọn phù hợp với từng mục đích sử dụng như làm quà tặng hoặc bày mâm Tết" - chị Phan Thu Hương - một khách hàng tại quận Hoàn Kiếm chia sẻ.
Với phương châm sử dụng nguồn cung ứng sản phẩm có nguồn gốc nội địa, hàng sản xuất trong nước luôn là ưu tiên hàng đầu, cán bộ thu mua của hệ thống đại siêu thị GO!, Big C (thuộc Central Retail Việt Nam) đã chủ động tìm đến các nhà cung cấp tại các địa phương để đưa các sản vật, đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng cả nước. Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - cho hay, hiện tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống bán lẻ của Central Retail (siêu thị GO!, Big C và siêu thị Tops Market) là trên 90%.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Big C Thăng Long |
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông), để hàng Việt có sức lan tỏa và lớn mạnh, ngoài kênh bán lẻ trực tiếp, việc áp dụng số hóa sẽ cung cấp thêm cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm mới, hiện đại, tiện lợi hơn…, tạo nên sức mạnh cộng hưởng trong phát triển chuỗi cung ứng, gia tăng nội lực cạnh tranh cho các thương hiệu Việt.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, đến nay, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ trên 90% tại các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước; chiếm 60 - 96% tại hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Xu hướng người Việt dùng hàng Việt đã dần phổ biến.
Không còn những quan niệm hàng xuất khẩu chất lượng cao hơn, tốt hơn hàng tiêu dùng trong nước, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp cho biết, chính người tiêu dùng nội địa là ‘phép thử’ tốt nhất cho các nhà sản xuất muốn lớn mạnh và đưa hàng ra nhiều thị trường lớn khác. Do đó, hàng bán ra nước ngoài thế nào, thì bán trong nước phải y như vậy, thậm chí phải tốt hơn. Mặt khác, phải liên tục đổi mới, thích ứng với thói quen của người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’ đã giúp hàng Việt ngày càng có sự lan tỏa, được người tiêu dùng cả nước biết đến và hưởng ứng tích cực. Tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước có mặt trong hệ thống phân phối tăng cao. Đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, tin tưởng hàng Việt, nhất là đối với phân khúc hàng Việt Nam chất lượng cao… Trong đó, siêu thị chính là kênh quảng bá, xúc tiến thương mại quan trọng, đưa các sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Ở góc độ chính quyền địa phương, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, để hàng Việt tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng, trong thời gian vừa qua, Sở Công Thương đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp.
Cần tiếp tục mở rộng mạng lưới điểm bán hàng cố định, lưu động
Bên cạnh những kết quả đạt được, để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa và vươn ra thế giới, vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, vấn đề nổi cộm cần phải giải quyết là ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và đẩy mạnh sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao hơn nữa.
Tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 241/UBND-KTN. Theo đó, TP. Hà Nội yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng Việt.
Phối hợp xây dựng các chương trình và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng để đưa hàng Việt chiếm thị phần tương xứng trong hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố.
Tiếp tục mở rộng mạng lưới điểm bán hàng cố định, lưu động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi; giới thiệu và quảng bá sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn,… Các sở, ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, nguồn gốc… hàng Việt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Để cuộc vận động phát huy hiệu quả vững chắc hơn, bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hà Nội - cho biết, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận ‘Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích’.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Đặc biệt, sẽ tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, tăng cường giới thiệu, kết nối để hàng Việt có thể đi sâu vào đời sống và tạo thói quen cho người tiêu dùng Việt.