Hà Giang: Phấn đấu giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân 9,79%/năm
Theo định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045, mục tiêu của tỉnh Hà Giang đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 10,08%; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân 9,79%/năm…
Dây chuyền sản xuất gạch của Nhà máy gạch Tuynel Tân Bắc hiện đại, tự động hóa cao. |
Thời gian qua, Hà Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung cơ cấu lại và phát triển các ngành công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn chỉnh kết cấu khu công nghiệp Bình Vàng, huy động xã hội hóa đầu tư các cụm công nghiệp… Vì vậy, sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp tăng trưởng và phát triển khá. Tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm (GRDP) của Hà Giang tính từ năm 2018 đến năm 2023 trung bình đạt 15,26%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP chiếm 2,54%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp trung bình đạt 6,7%; trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,66%.
Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án sản xuất công nghiệp được đầu tư với công nghệ thân thiện môi trường, khai thác hiệu quả các lợi thế của địa phương. Đơn cử như tại cụm công nghiệp Tân Bắc (Quang Bình), Nhà máy gạch Tuynel Tân Bắc cũng được đầu tư, xây dựng với hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, đồng bộ trên diện tích 6 ha. Nhà máy được thiết kế với dây chuyền sản xuất lò di động tự thân, hiện đại nhất hiện nay, 100% trang thiết bị được nhập khẩu, vừa cho sản phẩm chất lượng, vừa bảo vệ môi trường. Tỷ lệ tự động hóa của hệ thống lên tới 75%, với các robot xếp gạch tự động. Với dây chuyền hiện tại, Nhà máy gạch Tuynel Tân Bắc sản xuất đa dạng các loại gạch theo kích cỡ khác nhau, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, với tiềm năng sẵn có, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP của Hà Giang được đánh giá còn thấp; doanh nghiệp công nghiệp số lượng ít, quy mô nhỏ và rất nhỏ, trình độ nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất còn hạn chế; chế biến nông sản chủ yếu là sơ chế hoặc chế biến một phần nên giá trị thương mại không cao. Thu hút đầu tư xây dựng, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp hiệu quả chưa cao; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa hoàn chỉnh.
Để đạt mục tiêu mục tiêu đặt ra là phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh theo hướng hiện đại, bền vững; nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế và đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 10,08%; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân 9,79%/năm..., tỉnh Hà Giang đã và đang định hướng phát triển công nghiệp theo hướng chuyển dịch từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu; phát triển công nghiệp sạch; nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến chè, gỗ, dược liệu và các sản phẩm chăn nuôi khác... đi vào chiều sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến gắn với thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Bên cạnh đó, ưu tiên kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các nhà máy chế biến cam với công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình theo hướng đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp khai thác khoáng sản theo hướng bền vững, cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu theo hướng chế biến sâu. Khuyến khích áp dụng công nghệ trong khai thác, chế biến sử dụng triệt để tài nguyên, kiểm soát được ô nhiễm môi trường.
Song song với đó, tập trung thu hút đầu tư, xây dựng, khai thác hiệu quả các dự án thủy điện; khuyến khích đầu tư phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.
Từ định hướng trên, Hà Giang sẽ thực hiện tốt cơ chế đặc thù và đẩy mạnh ứng dụng hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghệ sạch, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Phát triển các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại, xây dựng và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại đối với sản phẩm công nghiệp...