Vô tư xả rác
Uống hết chai nước, cậu bé người Mông vô tư quẳng luôn chai xuống dưới chân, ăn hết gói bim bim được cho, cậu bé tiếp tục vứt vỏ ngay tại lối đi. Trên nương, bố cậu bé sau khi kết thúc việc chăm sóc nương ngô, trước khi về còn kịp ném 2 vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật ra ngay bờ suối cạnh nương.
Thấy tôi lên tiếng và tỏ vẻ ngạc nhiên trước hành động vứt rác bừa bãi của 2 bố con - người dẫn đường cho tôi - anh Lý A Pó sống tại xã Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) – cười hồn nhiên: Không vứt ở đây thì vứt đi đâu, bản có thùng rác đâu, chỗ tập kết rác còn chưa có…
Rác thải nhựa xả ra biển khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng |
Nghe anh Pó nói, tôi mới để ý, trên suốt cả mấy cây số vòng vèo qua thôn, bản, lên nương, vượt suối… không hề có một tấm biển “cấm vứt rác”, hay những vị trí thông báo là “nơi đổ rác”. Ngay chính tôi, dùng xong chai nước cũng bối rối vì không biết bỏ vỏ chai đi đâu.
Không có quy định, thiếu nơi vứt rác… có lẽ chính là lý do khiến nhiều thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa bà con vẫn giữ thói quen dùng xong chai nhựa, túi nylon là quẳng ngay tại chỗ. Trên nương rẫy, ven các cánh đồng, không khó để bắt gặp hình ảnh chai, lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đã dùng hết vứt ngổn ngang. Dọc đường đi vào các thôn xóm, vỏ chai, nylon cũng vứt vô tội vạ, gió to là túi nylon đủ các màu lại bay tứ tung…
Những tác hại khủng khiếp
Cũng chính bởi việc thu gom rác ở các thôn, bản vẫn chưa được thực hiện bài bản, thường xuyên, bà con cũng không được tuyên truyền nhiều về tác hại của rác thải nhựa… nên đa phần vẫn tiện đâu vứt đó. Ở những nơi đất rộng người thưa, tác động có thể chưa thấy rõ. Với những thôn, bản dân cư sống tập trung đông, rác thải nhựa trở thành nỗi nhức nhối khi lượng rác ứ đọng ngày càng nhiều; tràn ra cả lối đi, kèm theo mùi hôi hám khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hệ sinh thái và sức khỏe của người dân sống tại địa phương. Đặc biệt, tại nhiều khu vực bãi ngang ven biển, rác thải bị sóng đánh rạt vào bờ đang khiến những bãi biển trở nên ô nhiễm, tạo ấn tượng xấu đối với khách du lịch khi đặt chân đến.
Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới, riêng về lượng rác thải nhựa xả ra biển, Việt Nam đứng tốp 5 thế giới. Đặc biệt, vùng đồng bào DTTS và miền núi chiếm tới 1/3 diện tích cả nước, tập trung chủ yếu là ở đầu nguồn các con sông, suối, rừng đầu nguồn, bãi ngang ven biển… Chính vì vậy, nếu môi trường những khu vực này bị ô nhiễm, sẽ có tác động và ảnh hưởng tiêu cực tới những khu vực khác.
Những năm gần đây, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều thôn, bản đã bắt đầu quy hoạch khu tập kết rác tập trung; đồng thời, động viên, hỗ trợ người dân xây dựng các lò tiêu hủy rác mini tại mỗi gia đình. Mặc dù hoạt động này chưa được phổ biến rộng rãi, nhưng bước đầu cũng đã góp phần thay đổi tư duy, ý thức của một bộ phận đồng bào đối với việc xả rác, trong đó có rác thải nhựa. Tuy nhiên, đến nay số thôn, bản, làng xã có các chương trình tuyên truyền về rác thải nhựa vẫn còn rất hạn chế, chủ yếu vẫn ở những xã dân cư sinh sống tập trung hoặc có các dịch vụ du lịch.
Đã đến lúc, chính quyền các địa phương cần tích cực hơn trong việc thực hiện thu gom, xử lý rác kịp thời. Đồng thời, chủ động xây dựng các chương trình tuyên truyền, vận động bà con phân loại rác và vứt rác đúng nơi quy định; từng bước giảm thiểu tác động của chất thải nhựa với môi trường. Với bà con, mỗi người cần ý thức được rằng, đồ nhựa tuy rẻ và bền nhưng tác hại của nó rất kinh khủng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con cháu nhiều đời sau.
Sau khi bị vứt ra ngoài thiên nhiên, rác thải nhựa sẽ mất một khoảng thời gian hàng trăm năm để tách dần ra thành các hạt nhỏ. Những hạt nhỏ ly ti đó có thể ngấm vào đất, đi vào các mạch nước ngầm gây ra các bệnh vô cùng nguy hiểm cho người, động vật… |