Thành công từ sáng kiến “Đô thị giảm nhựa”…
Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) được biết đến không chỉ là một địa điểm văn hóa du lịch có nhiều ý nghĩa lịch sử của cả nước, mà còn là một trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học giá trị cao của Việt Nam và khu vực; luôn được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong quy hoạch và phát triển, nhằm phát huy thế mạnh của đảo, đặc biệt phát triển khu kinh tế du lịch - dịch vụ chất lượng cao, độc đáo và hấp dẫn.
Những năm qua, Côn Đảo phải đối mặt với một số khó khăn trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và rác thải nhựa đại dương, gây cản trở sự phát triển bền vững của Côn Đảo. Có thể kể đến như: Thách thức trong vấn đề giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; trong vấn đề xử lý rác thải; tỷ lệ tái sử dụng và tái chế rác thải chưa cao; thiếu các giải pháp kỹ thuật để tái chế tuần hoàn rác thải, đặc biệt là rác thải hữu cơ và rác thải nhựa; khan hiếm nguồn lao động tham gia vào lĩnh vực thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt gây cản trở cho việc phát triển, duy trì và mở rộng các mô hình tại địa phương.
Hàng tấn rác thải đại dương được người nhái và các tình nguyện viên trục vớt trên vùng biển Côn Đảo. Ảnh: CTV |
Trước những thách thức từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan nói trên, việc tìm ra hướng tiếp cận phù hợp để công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và rác thải nhựa đại dương của Côn Đảo ngày càng hiệu quả hơn được xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của huyện đảo này, góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái đặc trưng, thích nghi với biến đổi khí hậu, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Ngày 26/3/2022, UBND huyện Côn Đảo cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) ký cam kết trở thành “Điểm đến giảm nhựa”, với mục tiêu cắt giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2025, hướng tới loại bỏ rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND huyện Côn Đảo đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 4/7/2022 về quản lý rác thải nhựa trên địa bàn huyện Côn Đảo đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030.
Vietnam Airlines phối hợp cùng UBND huyện Côn đảo thu gom khoảng rác thải nhựa có thể tái chế tại địa bàn. Ảnh: CTV |
Sau quá trình thực hiện, đến cuối năm 2023, Côn Đảo đã giảm được 52,8% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường, hoàn thành vượt chỉ tiêu cam kết giảm 30% lượng rác thải nhựa, trở thành “Điểm đến Giảm nhựa” đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh - Quản lý Dự án, Hợp phần Thủy sản và Khu Bảo tồn biển, Chương trình giảm nhựa (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam) cho biết, hoạt động này có ý nghĩa trong việc ghi nhận nỗ lực của địa phương góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở Côn Đảo nói riêng và môi trường toàn cầu nói chung. Tuy nhiên, đây là can thiệp cuối vòng đời của chu trình nhựa, đòi hỏi địa phương đầu tư nguồn lực lớn về tài chính và sức người để thực hiện.
“Về lâu dài, hướng tới xây dựng hệ thống quản lý rác thải nhựa thông minh và bền vững hơn, các giải pháp can thiệp cần được khuyến khích đầu tư theo tự ưu tiên là cắt giảm nhựa dùng 1 lần tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế và tuần hoàn rác thải nhựa, cải thiện hệ thống thu gom và cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thu gom rác thải nhựa tồn đọng trong môi trường”, bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh khuyến nghị.
… đến “Giỏ lễ xanh” ở Côn Đảo
"Giỏ lễ xanh" là giỏ cúng lễ chỉ sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không sử dụng hàng mã, sản phẩm nhựa dùng một lần như mút, xốp, túi ni-lông, chai nhựa. Kích thước giỏ lễ cũng gọn gàng, trang trọng với mỗi chiều 50 cm, được huyện Côn Đảo tổ chức vào thứ 7 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 1/7 đến 30/9/2024.
Một trong những "Giỏ lễ xanh" phục vụ du khách. Ảnh: Sở TTTT BRVT |
Đây là một trong các hoạt động được UBND huyện Côn Đảo triển khai nhằm góp phần thực hiện Đề án "Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030" được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo Trung tâm bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo, sau thời 3 tháng thực hiện ngày thứ 7 "Giỏ lễ xanh" số lượng rác thải nhựa, hàng mã đã giảm rõ rệt, chỉ số đo ô nhiễm không khí vào ngày thứ 7 tại các điểm di tích trên toàn huyện chuyển mức rất tốt.
"Giỏ lễ xanh" góp phần giảm thải rác thải nhựa, bảo vệ môi trường Côn Đảo, hướng tới dừng cúng, đốt hàng mã tại các địa điểm, khu di tích trên địa bàn huyện.
Lộ trình Côn Đảo nói không với cúng đốt hàng mã tại các điểm di tích. Ảnh: Sở TTTT BRVT |
Theo lộ trình, từ ngày 30/9/2024, chương trình sẽ chuyển sang giai đoạn 3 với "Tuần lễ Giỏ lễ xanh" vào tuần đầu tiên hàng tháng. Từ ngày 1/1/2025, huyện Côn Đảo sẽ thực hiện "Giỏ lễ xanh" vào tất cả các ngày trong năm tại di tích nghĩa trang Hàng Dương, đền thờ Côn Đảo và các điểm di tích trên địa bàn Côn Đảo.
Trước đó, từ 1/7/2024, nhiều di tích tại Côn Đảo cũng đã nói không với hoạt động đốt vàng mã và nhận được sự đồng thuận của người dân, du khách.
Có thể thấy, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và rác thải nhựa đại dương cũng như xây dựng Côn Đảo xanh, bền vững đang cho thấy những kết quả tích cực. Điều này phù hợp với chủ trương, chính sách của Chính phủ, nhà nước và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử - tâm linh Ngày 29/2, Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã quyết nghị thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, bao gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích đất nổi khoảng 7.578 ha và phần khai thác không gian biển khoảng 140 ha. Việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo phù hợp định hướng phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, khai thác và bảo vệ sinh thái Vườn quốc gia, hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. |