GS.TS Nguyễn Thị Lang (bên phải) giới thiệu các công trình nghiên cứu về giống lúa |
Việc nghiên cứu chọn tạo các giống lúa chịu mặn có ý nghĩa rất lớn đối với ĐBSCL - vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm, nơi cung ứng hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước nhưng lại là một trong ba vùng đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Trước tình hình đó, trong suốt nhiều năm qua, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã quyết tâm tạo ra các giống lúa chất lượng, giữ vai trò chủ lực trong vụ mùa tại Nam bộ; đồng thời, giúp người nông dân thu thêm hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Đối với GS.TS Nguyễn Thị Lang, công cuộc đi tìm những giống lúa thích nghi với hoàn cảnh biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ cấp bách, đầy khó khăn và thử thách, nhưng khoa học luôn mang lại cho bà niềm hạnh phúc và sự say mê. Trong hơn 25 năm làm nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã lai tạo thành công hơn 73 giống lúa, trong đó có 31 giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đưa vào sản xuất tại các tỉnh vùng ĐBSCL, 106 giống lúa được đánh giá là triển vọng và đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia. Bà cũng là người chủ trì và trực tiếp tham gia hơn 100 đề tài về sản xuất lúa gạo.
Một trong những đóng góp nổi bật của GS.TS Nguyễn Thị Lang là việc chọn tạo thành công các giống lúa chịu mặn có nguồn gốc từ giống lúa trời, dân gian gọi là "lúa ma". "Lúa ma" là giống lúa hoang dã, có sức sống mãnh liệt giữa vùng trũng Đồng Tháp Mười. Vào mùa lũ, giống lúa này vượt lên nước lũ để trổ bông, đơm bông, mang tặng con người những hạt gạo thơm ngọt, cứu sống bao người những năm chiến tranh, đói kém. Biết "lúa ma" có phẩm chất đặc biệt ấy, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã lặn lội về Đồng Tháp Mười tìm cách nghiên cứu kết hợp những tính năng chịu đựng ưu việt của "lúa ma" với giống lúa cao sản để tạo nên giống lúa mới. Hơn 10 năm ròng rã, giống lúa mới mang tên AS996 (còn có tên OM2424) đã ra đời với các tính năng nổi trội về khả năng sinh trưởng trong điều kiện đất phèn, thiếu lân, khả năng chịu mặn cao, kháng rầy nâu; đặc biệt, có khả năng phát triển tốt ở nhiều vùng, đạt năng suất cao…, trở thành giống lúa chuẩn mực về tính chống chịu trong điều kiện khắc nghiệt. AS996 không chỉ được trồng rộng rãi ở các vùng ngập mặn nước ta mà còn được chuyển giao sang nhiều nước trên thế giới. Tiếp sau đó, hàng chục giống lúa chịu mặn tiếp tục ra đời như: OM4498, OM5930, OM4900, OM6073…
Đến nay, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã chọn tạo được 24 giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia. Hiện, bà đang nghiên cứu thêm các giống lúa có tính kháng đối với nhiều loại bệnh, côn trùng, có hàm lượng dinh dưỡng cao, khả năng chống khô hạn, ngập úng, nhiễm mặn... Ngoài ra, bà còn xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho một số loại rau, quả đạt chuẩn an toàn vệ sinh, tạo nguồn lương thực sạch cho tiêu dùng và xuất khẩu. Từ đây, nhiều mô hình cánh đồng 50 - 100 triệu đồng/ha đã ra đời, góp phần tích cực và hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hộ gia đình, khuyến khích người nông dân sản xuất, hạn chế tình trạng ly nông, ly hương thường xảy ra ở nông thôn Nam bộ.
Chia sẻ tại Lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, GS.TS Nguyễn Thị Lang cho biết, bà sẽ không dừng lại ở giải thưởng này mà tiếp tục chặng đường dài phấn đấu để có những nghiên cứu đột phá trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu khoa học phải thực sự hướng đến ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả, cạnh tranh được với các quốc gia khác. "Bản thân tôi luôn suy nghĩ tới đây sẽ tổ chức như thế nào để nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa của cây lúa cho người nông dân" - GS.TS Nguyễn Thị Lang nói.
Các công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu của GS.TS Nguyễn Thị Lang về bản đồ di truyền cây lúa, chọn giống cây trồng... mang ý nghĩa thực tiễn cao, đóng góp thiết thực phát triển sản xuất lúa gạo trong nước và nâng cao vị trí ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trên thế giới. |