Điện lực TKV đẩy mạnh số hóa và sáng kiến kỹ thuật
Đẩy mạnh tự động hóa, tin học hóa và chuyển đổi số
Năm 2024, Tổng công ty Điện lực TKV - CTCP tiếp tục triển khai sâu rộng Chương trình tự động hóa giai đoạn 2021–2025, với trọng tâm là nâng cấp hệ thống điều khiển và giám sát kỹ thuật tại các nhà máy nhiệt điện trực thuộc.
Các dự án đầu tư được triển khai mạnh mẽ, điển hình như: Nâng cấp hệ thống PLC tại Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Cẩm Phả và Cao Ngạn; đầu tư nâng cấp hệ thống điều khiển phân tán (DCS) cho hai tổ máy tại NMNĐ Đông Triều; nâng cấp tủ điều khiển tại NMNĐ Na Dương; hệ thống kích từ tại NMNĐ Nông Sơn và hệ thống phân tích nước online tại NMNĐ Cẩm Phả.
Bảo dưỡng sửa chữa tại Nhiệt điện Đông Triều |
Song song với tự động hóa, công tác tin học hóa cũng có những bước tiến đáng kể. Ông Ngô Trí Thịnh – Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực - TKV cho biết: Tổng công ty đang triển khai giai đoạn 4 dự án đầu tư hệ thống công nghệ thông tin phục vụ điều hành sản xuất – kinh doanh tại cơ quan tổng công ty. Ngoài ra, một loạt dự án đang được xây dựng báo cáo kinh tế – kỹ thuật, gồm: Mô phỏng các nhà máy điện phục vụ đào tạo vận hành, phần mềm giám sát hiệu suất tổ máy và giám sát ắc quy, phần mềm quản lý sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị…
Trước đó, ngày 19/8/2024, Hội đồng quản trị tổng công ty đã ban hành Quyết định số 2017/QĐ-ĐLTKV phê duyệt Đề án chuyển đổi số đến năm 2030. Trên cơ sở đề án này, các bước chuẩn bị đầu tư đang được triển khai cho nhiều sáng kiến số quan trọng.
Đề án tập trung vào công tác nâng cấp phần mềm phiếu công tác, thao tác điện tử; Chuẩn hóa hạ tầng công nghệ thông tin và quản trị dữ liệu năm 2025; Xây dựng phần mềm quản lý nhân sự tập trung; phát triển phần mềm kế toán – tài chính hợp nhất tại cấp tổng công ty.
Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và cải tiến kỹ thuật
Cùng với ứng dụng công nghệ, công tác nghiên cứu – sáng kiến tiếp tục được coi là động lực đổi mới nội tại của Tổng công ty. Trong năm 2024, toàn hệ thống đang triển khai 10 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó đã nghiệm thu thành công 7 đề tài tại các đơn vị như Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Đông Triều, Đồng Nai 5; 3 đề tài còn lại sẽ hoàn thành trong quý I/2025.
Theo đó, các sáng kiến nhằm hướng tới mục tiêu chuẩn hóa quản lý nội bộ, minh bạch dữ liệu và tăng cường năng lực điều hành theo thời gian thực, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.
Năm 2024, tổng công ty có 74 sáng kiến và cải tiến kỹ thuật đã được công nhận trong năm, nổi bật tại các nhà máy: Cẩm Phả (25 sáng kiến), Đông Triều (15 sáng kiến), Cao Ngạn (10 sáng kiến), Na Dương (8 sáng kiến), Sơn Động (8 sáng kiến), Nông Sơn (7 sáng kiến), Đồng Nai 5 (2 sáng kiến).
Phòng điều khiển trung tâm nhà máy Nhiệt điện Đông Triều |
“Các sáng kiến này góp phần quan trọng cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn thiết bị, nâng cao hiệu suất tổ máy và giảm thiểu tác động môi trường”- Tổng giám đốc Ngô Trí Thịnh khẳng định.
Bên cạnh đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, thời gian qua, tổng công ty cũng không ngừng tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong đánh giá, tư vấn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.
Năm 2024, nhiều chuyên gia từ các tập đoàn như CPECC, HEI, SGC Energy, Andritz đã đến khảo sát, tư vấn sơ bộ giải pháp cải tạo cho các NMNĐ Cẩm Phả, Sơn Động và Cao Ngạn. Nhiều hội thảo chuyên đề cũng được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm về lọc bụi tĩnh điện, chuyển đổi nhiên liệu, quản lý năng lượng.
Đặc biệt, đoàn công tác của Tổng công ty đã tham quan, học tập kinh nghiệm tại các viện thiết kế và nhà máy điện ở Trung Quốc, trong khi HEI – một trong các nhà thầu công nghệ lớn – cũng cử chuyên gia sang khảo sát kỹ thuật tại ba nhà máy trọng điểm.
Hướng đến một hệ thống điện than hiện đại và xanh hơn
Trong bối cảnh ngành điện Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ theo định hướng Quy hoạch điện VIII và các mục tiêu giảm phát thải carbon, việc Tổng công ty Điện lực – TKV chủ động đổi mới công nghệ, thúc đẩy số hóa và sáng tạo nội bộ là bước đi đúng đắn.
Đây không chỉ là câu chuyện nâng cao hiệu suất tổ máy, mà còn là cam kết với an toàn, môi trường và phát triển bền vững vì một hệ thống điện hiện đại, thân thiện và đáng tin cậy trong hành trình phát triển công nghiệp quốc gia.
Sửa chữa bảo dưỡng Roto xi lanh hạ áp tại Nhà máy nhiệt điện Đông Triều |
Thời gian tới, công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệtiếp tục được tổng công ty đẩy mạnh với nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả vận hành và độ tin cậy của tổ máy. Tổng công ty sẽ triển khai khảo sát, đánh giá thiết bị, xây dựng phương án sửa chữa – thay thế theo kế hoạch, đồng thời nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới nhằm kéo dài tuổi thọ thiết bị.
“Hiện các tổ máy có hiệu suất thấp đang được rà soát để thay thế bằng thiết bị hiện đại, hiệu suất cao hơn như động cơ quạt, bơm. Một số dự án nổi bật đang được thực hiện gồm: đầu tư hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời tại các nhà máy, xây dựng phần mềm giám sát hiệu suất tổ máy, hệ thống mô phỏng phục vụ đào tạo, phần mềm giám sát ắc quy...” - ông Ngô Trí Thịnh khẳng định.
Tổng công ty cũng sẽ tập trung hoàn thiện các đề tài khoa học, công nghệ đang triển khai, đồng thời đưa các đề tài đã được nghiệm thu vào áp dụng thực tiễn. Các dự án thuộc Đề án chuyển đổi số đến năm 2025 đang được triển khai theo đúng lộ trình đã đề ra. |