Chính sách giảm nghèo cần tập trung cho vùng lõi nghèo |
Chính sách giảm nghèo chưa phát huy tác dụng
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Chính phủ đã hoàn thành xây dựng chuẩn nghèo mới, với hai mức chuẩn: thu nhập bình quân một người trên một tháng ở vùng nông thôn là 700.000 đồng và ở thành thị là 900.000 đồng. Thu nhập dưới mức đó là thuộc diện hộ nghèo. Mặc dù còn khó khăn, nhưng ngân sách nhà nước vẫn dành một nguồn lực rất lớn, 172 nghìn tỷ đồng cho thực hiện chính sách nói chung và 33 nghìn tỷ đồng cho các huyện đặc biệt khó khăn.
Thời gian qua, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nhưng hiệu quả chưa cao, hiện cả nước vẫn còn 28,4% hộ nghèo. Chính quyền cơ sở nói riêng và hệ thống chính trị nói chung ở một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng cao. Thậm chí, nhiều hộ nghèo có tư duy “cứ nghèo” để nhận sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), mặc dù công tác xóa đói, giảm nghèo đã đạt được những thành tích lớn, nhưng ngày càng trở nên khó khăn hơn khi đối tượng nghèo chủ yếu nằm ở vùng lõi nghèo và cả vùng nghèo. Thực tế cho thấy các chính sách giảm nghèo vừa qua đã phát huy tác dụng tốt, nhưng tình hình hiện nay đã bộc lộ những hạn chế, cần phải có hướng khắc phục.
Cần đổi mới phương thức giảm nghèo
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng, để giảm nghèo bền vững điều quan trọng là phải đổi mới phương thức, cách làm của nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội trong hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo. Chống bình quân bao cấp để làm cho số hộ không còn cảm thấy “phấn khởi” khi được đứng trong danh sách hộ nghèo. Khi tập trung vốn cho vùng khó khăn ở các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo… chính quyền cơ sở cần phải đi sâu sát để điều tra xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo đói của từng hộ, nhóm hộ, thì mới có chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp và hiệu quả. Cần phải có chính sách riêng đối với từng nhóm đối tượng.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng đề xuất, cần thay đổi cách tiếp cận trong giảm nghèo từ cách giải quyết vấn đề tự túc, tự cấp, tạo việc làm đa dạng, sang đầu tư phát triển với 2 trụ cột là phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển hàng hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Thay đổi tư duy người dân, giảm bớt tư tưởng ỷ lại của một số bộ phận người nghèo, chính sách giảm nghèo cần giảm bớt hỗ trợ, trợ cấp cho không và hỗ trợ gắn với các điều kiện cụ thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chất lượng giảm nghèo và sự chênh lệch giàu nghèo vẫn là mục tiêu tiếp tục phấn đấu để cải thiện đời sống vật chất tinh thần của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, cần đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo, biên giới, các khu vực Tây Bắc, Tây Nam, Tây Nguyên gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Đồng thời cũng cần có chính sách bảo vệ và phát triển rừng, chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách nhà ở cho người có công, người có thu nhập thấp, chính sách giảm nghèo đa chiều. Chính sách giảm nghèo cần có những ưu tiên trọng tâm, trọng điểm, tập trung cả nguồn lực về tài chính nhân lực cho những vùng lõi nghèo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng biên giới đặc biệt khó khăn, những khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng.