Ông đánh giá như thế nào về việc khai thác các giá trị văn hóa trong việc phát triển, quảng bá sản phẩm hàng hóa của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của nước ta hiện nay?
TS. Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam |
Nhận diện chung thì tôi thấy rằng đồng bào dân tộc cũng có nhu cầu, cũng muốn đưa hàng hóa của mình ra thị trường toàn quốc, hay xa hơn là đi ra thế giới nữa. Chính sách của chúng ta đã có rất nhiều rồi, các biện pháp chúng ta cũng đã làm rất nhiều rồi, nhưng mà vấn đề là chúng ta đang có những sản phẩm gì?
Ví dụ như tôi là người Nùng An ở Phúc Sen, Cao Bằng, thì tôi tự hào về ba sản phẩm mà chúng tôi có thể đưa ra thị trường thế giới được.
Thứ nhất là dao Phúc Sen. Bà con đã tự nỗ lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm này qua kinh nghiệm mình tích lũy được. Về kênh tiêu thụ có sự trợ giúp của các bên, nhưng về cơ bản là các hợp tác xã của bà con làng rèn đã có từ lâu đời, xây dựng được thương hiệu dao Phúc Sen. Sản phẩm làm từ nhíp - phần thép tốt nhất của ô tô. Người dân đi nhập phế liệu ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang để làm ra những chiếc dao thép đó.
Thứ hai là hương Phia Thắp, được tiêu thụ ở các tỉnh vùng Đông Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn.
Thứ ba là giấy, sản phẩm giấy của người Nùng An cũng rất tốt.
Ở vùng cao thì cuộc sống người dân phụ thuộc vào các phiên chợ, phù hợp với nhịp sống của việc làm rèn, làm lúa, làm ngô… diễn ra 6 ngày 1 phiên. Các loại hàng hóa được tiêu thụ trong các chợ. Người dân phía bên kia biên giới họ sang, hoặc mình mang sang bên kia biên giới tiêu thụ. Hay người Nùng An cũng đi vào Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, mang theo hàng hóa tiêu thụ tại các khu vực này, người đi đâu thì hàng sẽ đi đấy.
Việc đưa văn hoá vào sản phẩm giúp bà con vùng miền núi, dân tộc tiêu thụ sản phẩm tốt hơn |
Nhìn chung, đồng bào chúng ta rất chủ động, biết tự chọn cái gì là cái tốt của mình. Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của người dân khi biết chủ động xây cuộc đời của mình. Thứ hai là nhìn vào những tương tác xã hội nói chung thì tôi thấy rằng đang là một thời kỳ hứa hẹn rất nhiều kì vọng trước mắt về việc đưa sản phẩm của bà con ra thị trường quốc nội cũng như quốc tế.
Đặc thù nước ta có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số, lại phân bổ rải rác ở các địa phương. Điều này đòi hỏi cách thức khai thác các giá trị văn hóa của mỗi địa phương, mỗi dân tộc ở từng địa phương cũng cần có hướng đi khác nhau. Xin ông cho biết, có những cách thức nào để khai thác, tận dụng những giá trị văn hóa dân tộc này để phát triển sản phẩm hàng hóa của bà con vùng đồng bào dân tộc?
Trong dân tộc học, trước hết, để khai thác được thì chúng ta phải định hướng về tư tưởng. Có 2 luồng tư tưởng, tư tưởng bảo lưu văn hoá truyền thống. Những gì là văn hoá truyền thống thì cứ giữ, đừng thay đổi gì cả, dù biến động thế nào, dù là kinh tế hoá, toàn cầu hoá thì vẫn cứ phải giữ lại, giữ lại như vậy đã là phát triển rồi.
Thế nhưng đối với chúng tôi thì văn hoá vừa là bảo tồn, vừa là phát huy rồi làm giàu nữa. Làm giàu tức là mình vận dụng văn hoá để làm giàu, cũng như là quay ngược lại để đầu tư cho văn hoá phát triển.
Gần đây, cách nghĩ thứ hai của chúng tôi được đánh giá cao hơn. Nghĩa là chúng ta không chỉ bảo tồn nguyên dạng mà cần phải phát huy. Chúng ta không nên bằng lòng với những gì đang có. Nếu như chúng ta không tự đổi mới thì sẽ bị đẩy lùi, lạc hậu. Có thể sản phẩm ở năm 2000 khác, nhưng đến năm 2010 sẽ lại khác đi, đến nay còn khác nữa.
Về phương pháp thì đối với chính sách, chúng ta đã có đủ và đồng bộ hết chính sách, từ những chính sách lớn như Hiến pháp, rồi các chính sách của Uỷ ban dân tộc… Những chính sách tức thời thì đã rất tốt, việc thực thi cũng rất tốt, tạo ra một không khí tự đổi mới.
Song kể cả những chính sách, hiện nay có thể đúng, nhưng đến 2 năm sau có thể đã sai rồi, tức là ta phải đổi mới từ người làm chính sách, đến người chịu ảnh hưởng của chính sách. Theo tôi, tư tưởng là quan trọng nhất, chúng ta luôn luôn phải đổi mới, và đổi mới thế nào thì chúng ta phải tận dụng những liên kết từ cơ quan quản lý nhà nước, vấn đề của các tổ chức quốc tế, đến hợp tác liên minh vượt biên giới… Vấn đề là mình định hướng được việc bảo tồn, phát huy và đổi mới liên tục.
Để tạo nên bản sắc của sản phẩm hàng hóa gắn với giá trị văn hóa của mỗi địa phương, mỗi dân tộc, các địa phương và doanh nghiệp nên lựa chọn hướng khai thác giá trị văn hóa như thế nào, thưa ông?
Đây cũng là trăn trở của các nhóm doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu chúng tôi, đặc biệt là những người trực tiếp đang sản xuất cũng rất trăn trở. Ở đây. tôi có tham gia một số dự án thì họ bày tỏ mong muốn “rút tỉa” những yếu tố văn hóa của các dân tộc.
Ví dụ như là làm một cái resort ở trên Bắc Hà thì người ta đem tất cả các đặc sắc văn hoá dân tộc ở Lào Cai đều được phản ánh trong resort đó. Doanh nghiệp họ muốn chúng tôi phải làm nhà thế này, bao nhiêu mái, quần áo thế này, rồi món ăn này, cây thuốc này… nhưng chúng tôi quan niệm rằng, các dân tộc không đồng đều thế. Đối với dân tộc này đặc trưng là thổ cẩm, nhưng dân tộc này là thuốc, dân tộc này thì lại là rèn chẳng hạn. Nếu như đồng bộ hết như vậy thì không ra được sản phẩm.
Đây là những gì các nhà dân tộc học tư vấn cho doanh nghiệp, và cũng phải hỏi lại những người dân tộc thụ hưởng và khách hàng. Phải đầu tư thời gian cũng như phải thử nghiệm để địa phương hoá, vùng hoá. Chúng ta cần phải có những đầu tư chiều sâu, đầu tư trong một thời gian dài. Chúng ta phải hoạch định được và nghiên cứu đa chiều. Các nhà dân tộc học chỉ đóng góp một phần. Chính sách hay doanh nghiệp và những người thụ hưởng, khách du lịch cũng cần tham gia kết nối vào quá trình đó.
Hiện nay, việc bán hàng qua mạng của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang phát triển rất mạnh, người Dao chúng tôi bán hàng qua mạng rất nhiều, đặc biệt là người Tày Nùng, thành lập những trang mạng, trang web có thể chuyển phát rất nhanh. Đây là cơ hội từ toàn cầu hoá. Việc toàn cầu hoá và số hoá sẽ giúp cho thảo luận nhanh hơn, tuy nhiên chúng ta vẫn phải đầu tư một thời gian rất dài. Vấn đề là phải chiêm nghiệm được, và đưa ra trên bàn giấy đã rồi hẵng làm chứ không phải thích là làm ngay được.
Xin cảm ơn ông!