Thứ hai 05/05/2025 02:04

Giải mã nguyên nhân khiến giá dừa xuất khẩu lập đỉnh

Cung giảm, cầu tăng đẩy giá dừa lên mức cao nhất từ trước đến nay. Dự báo, xuất khẩu dừa có thể đạt trên 1,2 tỷ USD năm nay.

Giá dừa tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay

Thời điểm này, tại nhiều nhà vườn tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, giá dừa tươi đang được bán ở mức 150.000-170.000 đồng/12 trái; giá dừa khô được bán từ 200.000-210.000 đồng/12 trái (tùy chất lượng). Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Giá dừa tươi và dừa khô đang đứng mức cao nhất từ trước đến nay (Ảnh minh hoạ)

Hiện tỉnh Bến Tre và Tiền Giang có hơn 100.000 ha dừa. Theo các nhà vườn, năng suất cây dừa vào mùa khô giảm do ảnh hưởng của hạn mặn các năm trước và sâu bệnh tấn công, dẫn đến “cầu vượt cung”, thương lái phải săn tìm đến tận vườn để thu mua.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Cao Bá Đăng Khoa - Tổng Thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam cho hay, không chỉ ở Việt Nam, tại các quốc gia châu Á khác như Philippines hay Thái Lan, giá dừa cũng tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục do nguồn cung giảm và nhu cầu xuất khẩu tăng nhanh.

Đáng chú ý, riêng với trái dừa tươi, thời gian qua, Việt Nam đã mở cửa được nhiều thị trường lớn, trong đó có thị trường Trung Quốc và Mỹ đã tạo hiệu ứng domino, nhiều thị trường đã tăng cường tìm kiếm dừa Việt Nam.

Theo đó, Mỹ nhập khẩu mặt hàng này từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, nguồn cung dừa chủ yếu đến từ Mexico, Thái Lan, Costa Rica... Tại thị trường Mỹ, dừa tiêu thụ quanh năm, mức tiêu thụ tại thị trường này rất tốt, giá cả ổn định.

Cùng với Mỹ, Trung Quốc cũng tăng nhập khẩu dừa tươi của Việt Nam sau khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch dừa tươi vào Trung Quốc vào tháng 8/2024. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 2 tháng đầu năm 2025, Việt Nam trở thành nhà cung cấp dừa lớn thứ ba, chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group cho biết, trong khi các đơn hàng xuất khẩu sầu riêng gặp khó tại thị trường Trung Quốc do vấn đề siết chặt kiểm dịch, thì với trái dừa, hiện lượng xuất khẩu vẫn rất tốt.

Theo số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 2/2025, xuất khẩu dừa tươi Việt Nam đã thu về 13,4 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu dừa tươi đạt 33,3 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh 46% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài dừa tươi, sản phẩm chế biến từ dừa xuất khẩu đi các nước cũng có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã cung cấp 43,8 triệu USD các sản phẩm chế biến từ dừa cho nhiều nước trên thế giới, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2024.

Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm từ dừa

Việt Nam có khoảng 25 tỉnh có dừa, trong đó, tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2024, ngành dừa Việt Nam với hơn 200.000 ha đứng thứ 5 trên thế giới về diện tích với năng suất thu hoạch 2 triệu tấn, đã nâng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành lên 1,089 tỷ USD. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 10 quốc gia sản xuất dừa lớn nhất thế giới nên tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này còn rất lớn.

Ông Cao Bá Đăng Khoa cho hay, xuất khẩu dừa được phân thành 4 nhóm doanh nghiệp với sản phẩm chính. Thứ nhất, doanh nghiệp và sản phẩm ngành thực phẩm, mỹ phẩm và y dược với hơn 45 loại sản phẩm, hơn 50 doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu, đóng góp khoảng 43% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thứ hai, doanh nghiệp và sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ, gỗ và giá thể nông nghiệp với hơn 30 loại sản phẩm đa dạng, gồm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gỗ, mụn dừa giá thể, than gáo dừa, chất xử lý môi trường từ than và các loại máy móc cơ khí sản xuất chuyên ngành dừa. Khoảng 15 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trực tiếp, còn lại là doanh nghiệp thương mại không ổn định, đóng góp khoảng 23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Thứ ba, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nguyên liệu như dầu dừa thô, bột béo từ nước dừa, dừa cấp đông, nước cốt dừa cấp đông… Nhóm này hiện có 5 doanh nghiệp trong nước và 14 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đóng góp khoảng 18% vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Thứ tư, nhóm các doanh nghiệp và sản phẩm sản xuất, kinh doanh dừa tươi chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Lợi thế của Việt Nam đó là giống dừa thuần tự nhiên, tự ươm, tự lai tạo giống, không phải là các giống dừa biến đổi gen, lai tạo gen, do đó, dừa của Việt Nam có mùi thơm và vị ngọt đặc trưng nên người Mỹ, Trung Quốc đặc biệt ưa thích.

Bên cạnh đó, xuất khẩu dừa tươi có nhiều lợi thế như vận chuyển dễ, thời gian bảo quản dài. Ngoài ra, quả dừa còn có thể chế biến thành nhiều sản phẩm khác như: dừa khô, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, nguyên liệu để sản xuất hóa mỹ phẩm...

Ông Cao Bá Đăng Khoa cũng nhận định, giá dừa tăng cao là tín hiệu đáng mừng đối với người trồng dừa Việt Nam sau nhiều năm đối mặt với biến động thị trường. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp xuất khẩu, họ cũng rất “hồi hộp” do giá tăng cao, việc thu mua nguyên liệu dừa tươi không ổn định.

Để ngành dừa phát triển bền vững, Việt Nam cần chú trọng hơn đến việc chế biến sâu và xây dựng thương hiệu sản phẩm từ dừa như dầu dừa, nước dừa đóng hộp, mỹ phẩm thiên nhiên và hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cần được siết chặt hơn thông qua các hợp đồng bao tiêu dài hạn và mô hình sản xuất theo chuỗi. Việc này nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước ổn định cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa của Việt Nam.

Giá dừa nguyên liệu ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang ở ngưỡng cao, nông dân thu được mức lợi nhuận rất tốt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu dừa tươi năm nay của nước ta có thể đạt khoảng 500 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này dừa nói chung lên con số trên 1,2 tỷ USD.
Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Xây dựng thương hiệu

Tin cùng chuyên mục

EC lùi thời gian thanh tra 'thẻ vàng' IUU đến cuối năm

Đề xuất mở rộng ưu đãi thuế VAT cho dịch vụ xuất khẩu

Sầu riêng Việt thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường tỷ dân

Doanh nghiệp Việt nửa thế kỷ vươn mình: Bài 2: Cần 'cuộc cách mạng' để kinh tế tư nhân bứt phá

Xuất khẩu nông sản sang EU: Không phải lượng mà là chất

Chinh phục thị trường Nhật Bản: Cơ hội nâng cao giá trị gạo Việt

Từ nhập siêu tới xuất siêu: Dấu ấn nửa thế kỷ hàng Việt hội nhập

Bộ Công Thương thu hồi 10 giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo

Quy định hạn ngạch nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu năm 2025

Rủi ro thương mại quốc tế: Doanh nghiệp cẩn trọng tránh ‘bẫy’

Tân Cảng Container khẳng định vị thế M&R Isotank tại Việt Nam

Danh sách thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tính đến 28/4/2025

Thương vụ khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Thị trường Halal Indonesia: Còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt

Xuất khẩu sầu riêng: Gắn với vùng trồng an toàn

Xuất khẩu tôm: Cần xây dựng thương hiệu gắn với chất lượng

Xuất khẩu gạo, cơ hội từ thị trường châu Phi

Xuất khẩu yến thô: Thêm cơ hội từ thị trường Trung Quốc

Xuất khẩu Gia Lai: Bứt tốc với những con số ấn tượng

Chùm ảnh: Hội thảo 'Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0'