Giá nông sản "nhảy múa", người dân miền núi Nghệ An thấp thỏm
Giá nông sản lên - xuống phụ thuộc vào thương lái
Gừng từ lâu là cây trồng đặc sản của bà con người Mông, nơi vùng giáp biên tỉnh Nghệ An. Ở thời điểm đầu năm 2021, mỗi kg gừng có giá 25.000 đồng. Tính ra, 1ha gừng thu về chừng 300 triệu đồng. Bởi thế, cây gừng đã trở thành cây xóa nghèo, rồi cây làm giàu cho nhiều người dân địa phương các huyện miền núi Nghệ Annhư Kỳ Sơn, Tương Dương.
Theo người trồng gừng huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An), 2 năm nay giá gừng giảm xuống dưới 10.000 đồng và có thời điểm giảm sâu xuống còn 4.000 - 5.000 đồng/kg nhưng vẫn khó tiêu thụ, khiến nhiều hộ dân trồng gừng thiệt hại nặng.
Khoảng đầu tháng 3 vừa qua, giá gừng xuống còn 7.000 đồng/kg, đến cuối tháng tiếp tục xuống giá chỉ còn 5.000 đồng/kg. Thời điểm cuối tháng 4, cả huyện Kỳ Sơn chỉ mới thu hoạch được khoảng trên 300ha gừng, còn trên 500ha chưa thu hoạch, đang tồn đọng khoảng trên 5.000 tấn gừng. Theo người dân trồng gừng, đến cuối tháng nếu không thu hoạch hết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gừng.
Người dân miền Tây phấn khởi thu hoạch gừng. Vụ mùa 2023 giá gừng ở miền Tây Nghệ An đạt 9.000 - 12.000 đồng/kg. Ảnh: MNKS |
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn, từ năm 2021, nhận thấy tiềm năng và lợi thế trong phát triển cây gừng, huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo các phòng, ngành chức năng hướng dẫn người dân tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật về trồng gừng hữu cơ hoàn toàn sạch. Địa phương này đã trồng trên 800ha gừng, chủ yếu ở các xã Na Ngoi, Đoọc Mạy, Tây Sơn, Nậm Cắn, Huồi Tụ, Keng Đu, Mường Lống…
Anh Xồng Bá Giờ ở xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn), cho biết: “Mấy tháng trước giá gừng vẫn thấp lắm, nhưng không biết sao từ mấy tuần nay giá có tăng lên 12.000 - 13.000 đồng/kg nên người dân các bản hiện đang hào hứng thu hoạch nhập cho xe của thương lái vào thu mua tận xã, dân bản vui lắm…”.
Theo ông Phan Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn, năm 2022 sản lượng gừng của Kỳ Sơn đạt 5.400 tấn. Tuy nhiên, thời điểm đó giá rớt chạm đáy 5.000 đồng/1kg (cao điểm thương lái thu mua từ 22.000-33.000 đồng/kg, đỉnh điểm lên tới 36.000 đồng/kg), nên bà con để trên rẫy không đào về bán. “Cho nên, hầu hết số gừng năm nay thu hoạch đều là gừng của các năm trước lưu lại trên rẫy người dân không thu hoạch do rớt giá, vừa qua bà con cũng vui vì thương lái vào thu mua được hết lượng gừng tồn cho dân…”, ông Mạnh nói.
Không chỉ cây gừng, một sản phẩm nông sản chủ lực khác ở biên giới Kỳ Sơn là quả bí xanh cũng chịu chung số phận khi đầu ra không ổn định, giá cả lên xuống thất thường |
Không chỉ ở Kỳ Sơn, xã Nhôn Mai, xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương), những ngày này người dân đang gấp rút thu hoạch gừng bán cho thương lái thu mua tận nơi. Gừng ở các bản của xã Nhôn Mai sau khi thu hoạch, người dân đóng thành từng bao tải đưa đến địa điểm tập kết tại ngã ba Huồi Tụ, xe ô tô của thương lái thu mua với giá 9.000 - 10.000 đồng/kg. Theo người dân địa phương, mấy năm nay gừng rớt giá, chỉ khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg nên người dân không thu hoạch, để gừng phát triển tự nhiên liên tiếp 2-3 mùa. Năm 2023 không có gừng trồng mới, mà là của các năm trước để lại. Năm nay, giá gừng cao gần gấp đôi năm ngoái nên bà con mới thu hoạch.
Không chỉ cây gừng, một loại cây chủ lực khác ở biên giới Kỳ Sơn là cây bí cũng chịu chung số phận khi đầu ra không ổn định, giá cả lên xuống thất thường.
Ông Vi Văn Hoàng ở bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý kể cho chúng tôi về sự rớt giá thê thảm của loại qủa này. “Vào năm 2022, gia đình ế mấy tấn bí xanh. Các năm gần đây, bí xanh được người tiêu dùng ở nhiều nơi ưa chuộng, thương lái tìm về tận nơi để thu mua khoảng 8.000 đồng/kg nên một số người dân chuyển hẳn sang trồng loại cây này. Thế nhưng, trong 2 năm qua, loại cây này liên tục giảm giá, vụ trước giá chỉ có 4.000 - 5.000 đồng/kg vẫn khó tiêu thụ.. Có không ít người dân ở đây đứng ra thu mua của dân phải đổ bỏ, thua lỗ hàng chục triệu đồng vì không bán được...”, ông Hoàng cho biết thêm.
Xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều khó
Những người dân mà chúng tôi trò chuyện ở các xã biên giới của huyện Kỳ Sơn, cho biết kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản nói chung đều gặp khó khăn cả ở thị trường nội địa lẫn xuất bán cho thương lái qua Trung Quốc khiến cho giá cả các mặt hàng nông sản đều sụt giảm.
Ngày 15/11/2019, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5587/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00077 cho sản phẩm Gừng Kỳ Sơn |
Theo các thương lái chuyên thu mua gừng ở địa bàn các huyện miền núi Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương cho biết, đầu mùa gừng năm 2023 nhu cầu tiêu thụ gừng trên thị trường có chiều hướng tăng, giá thu mua cũng tăng gần gấp đôi năm 2022.
“Giá có thấy tăng, tuy nhiên tôi cũng không dám ồ ạt gom nhiều hàng, vì phải phụ thuộc tình hình xuất, nhập khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc. Thêm vào đó, gừng Kỳ Sơn còn phải cạnh tranh giá cả với gừng của Lào nên không dám gom số lượng lớn, chỉ thu mua theo số lượng đặt hàng của các nhà máy, doanh nghiệp chế biến, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc…”, bà Nguyễn Thị Thương - thương lái chuyên thu mua nông sản ở các huyện miền núi cho biết.
Ông Phan Văn Mạnh thông tin thêm: “Hiện, toàn huyện Kỳ Sơn có khoảng trên 800 ha gừng. Những năm qua, cây gừng này mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân. Thế nhưng, giống như một số loại cây trồng khác, giá củ gừng thương phẩm cũng rất bấp bênh. Hiện tại, giá có tăng nhưng cũng chỉ là tăng cao hơn thời điểm dịch bệnh, chứ để thực có lãi cho bà con thì cũng chưa có…”.
Đề cập đến câu chuyện “được mùa, mất giá”, giá cả bấp bênh, không có đầu ra, ông Mạnh nói: “Từ xưa tới nay, nông sản của bà con làm ra được nhưng việc tìm thị trường tiêu thụ luôn gặp khó khăn. 2 năm qua, tình hình dịch bệnh thêm khó khăn, các thương lái tìm về thu mua không nhiều nên bà con đã khó càng thêm khó, trong khi đó, bán trong nội địa thì khó khăn vì đường sá quá xa xôi, chi phí vận chuyển lớn, người nông dân không có lãi.
Thực tế cho thấy, giá gừng nhập từ Lào, Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam luôn rẻ hơn gừng địa phương. Về lâu dài, để cạnh tranh, cần nâng cao giá trị cho sản phẩm gừng địa phương, ngoài bán gừng thô, người dân, doanh nghiệp trong tỉnh cần nghiên cứu hướng chế biến sâu để tăng giá trị thương mại cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn...
Để nông dân không còn phải thấp thỏm theo giá nông sản, theo nhiều chuyên gia, cần xây dựng các mô hình liên kết giữa người trồng với doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá và tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa 4 “nhà” (Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học) để có lối ra bền vững cho sản phẩm nông nghiệp vẫn còn xa vời với bà con vùng biên tỉnh Nghệ An. |