Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024: Cầm chắc trong tay 54 - 55 tỷ USD Nông sản Việt Nam chinh phục thị trường Anh: Bước tiến và thách thức |
Ngành nông nghiệp sớm vượt mốc 53 tỷ USD
Với tín hiệu lạc quan từ thị trường, các chuyên gia đầu ngành cho biết, nhiều khả năng xuất khẩu ngành nông nghiệp sớm vượt mốc 53 tỷ USD trong năm nay. Niềm tin này hoàn toàn có cơ sở khi nhiều địa phương trong cả nước liên tiếp tổ chức lễ xuất khẩu các container nông sản ra thị trường thế giới.
Có thể kể đến như Hà Giang, đặc biệt tại huyện Xín Mần, từ đầu năm đến nay đã có 3 sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, gồm củ cải muối, củ kiệu và gừng trâu đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bằng đường chính ngạch.
Bà con nông dân xã Xín Mần (Hà Giang) thu hoạch gừng trâu để xuất khẩu. Ảnh: Văn Long |
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xín Mần, việc liên kết giữa người dân và doanh nghiệp từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ đã cho ra nguyên liệu nông sản đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn xuất khẩu. Mô hình liên kết chuỗi giá trị đảm bảo cho đầu ra ổn định, bền vững, thu nhập của người dân tăng lên gấp 3 - 4 lần so với trồng ngô.
Không chỉ Hà Giang, trở vào vùng Tây Nguyên những ngày này cũng dễ dàng chứng kiến cảnh bà con ở đây vẫn tất bật thu mua, đóng gói nông sản để xuất khẩu. Riêng tại tỉnh Gia Lai hiện cũng đang sản xuất nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị kinh tế cao như: Cà phê, hồ tiêu, trái cây các loại...; bên cạnh đó còn có nhiều loại rau, củ, nông sản khác.
Năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ các giải pháp nâng tầm giá trị nông sản, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai vẫn đạt 680 triệu USD. Còn 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của địa phương này ước hơn 700 triệu USD, đạt hơn 93% kế hoạch, với sản phẩm hàng đầu là cà phê 193.000 tấn, tương ứng 552 triệu USD, chiếm 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Vừa qua, Sở Công Thương Gia Lai đã tiếp đón một đoàn doanh nghiệp Nhật Bản tới khảo sát thị trường cà phê Gia Lai và được giới thiệu tới một số doanh nghiệp chế biến lớn của tỉnh. Bước đầu, các doanh nghiệp Nhật Bản đặt vấn đề sẽ độc quyền phân phối cà phê hòa tan của Gia Lai vào thị trường Nhật Bản và Malaysia dưới nhãn hiệu Cà phê Gia Lai.
Hiện, toàn tỉnh Gia Lai có 409 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao, trong đó có 59 sản phẩm đạt 4 sao và 350 sản phẩm đạt 3 sao. Cùng với đó, hầu hết cây trồng chủ yếu ở đây được hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để Gia Lai đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản.
Được biết, các mặt hàng nông sản của Gia Lai đã và đang xuất khẩu với mức tăng trưởng khả quan sang thị trường của gần 40 quốc gia như: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ… Giá trị xuất khẩu của nhóm hàng nông sản chiếm tỷ trọng khoảng 70 - 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương với các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực nói trên.
Cũng như Gia Lai hay Hà Giang, thời điểm này, các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh phía Bắc đang đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 nhằm ổn định đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp những tháng cuối năm 2024 và cả năm 2025, trong đó có mục tiêu xuất khẩu.
Nâng cao năng lực xuất khẩu
Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt kim ngạch 70 tỷ USD, với sự công nhận thương hiệu của các ngành hàng chủ lực. Để đạt được mục tiêu này không đơn giản khi mà hiện nay mỗi khu vực thị trường, thậm chí mỗi quốc gia đều có quy định riêng về tiêu chuẩn an toàn và kiểm dịch động, thực vật (SPS).
Sáu tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhận 57 cảnh báo từ EU (cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo). Hiện, Việt Nam còn bốn mặt hàng phải kiểm tra biên giới là thanh long với tần suất 30%, ớt 50%, đậu bắp 50%, sầu riêng 10%. Theo quy định, EU sẽ rà soát sáu tháng/lần về áp dụng các biện pháp tăng cường, kiểm tra bổ sung, quản lý nhập khẩu.
Một trong những nguyên nhân của sự gia tăng cảnh báo này là do doanh nghiệp xuất khẩu chưa thật sự tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Do vậy, để tăng năng lực xuất khẩu nông sản Việt Nam, giới chuyên gia đề xuất trước hết phải nâng cao năng lực tuân thủ quy định là cơ sở quan trọng để nông sản thuận đường xuất khẩu, phòng tránh việc bị cảnh báo hoặc hạn chế nhập khẩu; đồng thời tăng cường công tác điều phối phát triển xuất khẩu nông sản theo vùng, lãnh thổ, nâng cao hiệu quả liên kết vùng góp phần hình thành các cụm liên kết, các chuỗi giá trị nhằm tận dụng lợi thế tại một số địa phương, vùng kinh tế…
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Đề án Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được coi là một bước tiến quan trọng nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, hướng tới sự phát triển bền vững.
Giới chuyên gia đánh giá, đề án không chỉ là một chiến lược mang tính dài hạn, mà còn là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đối mặt với các thách thức toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh lương thực và phát triển nông thôn.
Thực hiện đề án, chia sẻ tại nhiều địa phương, doanh nghiệp cho thấy, thời gian tới tiếp tục tăng cường phối hợp nhằm gia tăng giá trị sản phẩm; chủ động, tích cực nghiên cứu các quy tắc và luật lệ chung của Tổ chức Thương mại thế giới, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương…; sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu không gây độc hại…; đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như phát triển bền vững...
Được biết tại Gia Lai, những năm tới, ngành nông nghiệp Gia Lai sẽ tiếp tục phối hợp với ngành công thương trong thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, để thúc đẩy chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm; thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chất lượng cao hơn; phát huy thị trường truyền thống, mở rộng tìm kiếm thị trường mới…