Trao đổi với PV Báo Công Thương, ông Phan Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - cho biết: Sản phẩm gừng là đặc sản huyện miền núi Kỳ Sơn. Gừng Kỳ Sơn được chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý từ năm 2019, với nhiều đặc tính như trữ lượng tinh dầu trong gừng rất cao nên các thương lái rất ham mua.
Gừng Kỳ Sơn có chất lượng sản phẩm đặc trưng, hàm lượng tinh dầu rất cao. Năm nay, mặc dù giá gừng giảm sâu nhưng vẫn rất khó tiêu thụ |
Thời điểm này đang là mùa thu hoạch chính vụ gừng Kỳ Sơn. "Tuy nhiên, hiện nay gừng xuất khẩu qua Trung Quốc bị gián đoạn, không có các thương lái như các năm trước về thu mua...", ông Mạnh nói.
Cũng theo ông Mạnh, năm nay giá gừng giảm sâu, nếu như thời điểm cuối tháng 3 năm ngoái gừng có giá từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, có thời điểm gừng được giá lên đến 40.000 đồng/1kg cũng không có mà bán. Nhưng năm nay, người trồng gừng tận rẫy đường vào khó bà con chỉ bán có 4.200 đồng vẫn không có thương lái vào thu mua.
"Vào cuối tháng 2 vừa qua, sản lượng gừng của Kỳ Sơn có khoảng 5.400 tấn, đến thời điểm này số gừng trong dân còn lại rất nhiều, khoảng 4.500- 5.000 tấn. Gừng là nguồn thu nhập đáng kể đối với đồng bào các dân tộc huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn, nhưng năm nay giá gừng rẻ quá và không tiêu thụ được đã ảnh hưởng đến đời sống của bà con nông dân nơi đây"- ông Mạnh chia sẻ.
Sở Công Thương Nghệ An ra văn bản kêu gọi các địa phương, doanh nghiệp cả nước hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gừng Kỳ Sơn |
Trước tình hình gừng khó tiêu thụ, chưa tìm được đầu ra, ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, những ngày gần đây, Sở Công Thương đã khảo sát tình hình thực tế cho thấy lượng gừng đang tồn đọng quá nhiều, vì thế Sở đã vào cuộc kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ gừng.
Theo ông Cao Minh Tú, thời gian qua tiếp tục thực hiện các Chỉ thị của Bộ Công Thương về việc tạo điều kiện thuận lợi trong khâu lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có lượng nông sản lớn nhưng gặp khó tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến vẫn phức tạp. Sở Công Thương đã rà soát các nhu cầu hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Được biết, tại địa bàn huyện Kỳ Sơn, hoạt động thu hoạch sản phẩm gừng chuẩn bị vào chính vụ với sản lượng trên 5.000 tấn, có nguy cơ gặp khó khăn trong tiêu thụ. Trên cơ sở đó, Nghệ An đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cả nước để kêu gọi hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Năm nay vào đầu vụ, gừng có giá 20.000 đồng/kg, nhưng thời điểm từ đầu tháng 2 tới nay giảm chỉ còn 4.200 đồng/kg tại ruộng |
Cụ thể, gửi văn bản đề nghị Uỷ ban MTTQ tỉnh Nghệ An, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối, tiêu thụ sản phẩm gừng Kỳ Sơn. Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân có hành động thiết thực tham gia kết nối, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp chặt chẽ các hệ thống phân phối như Vincomerce, Lotte, MM Mega Market, BigC, Sunmart, Bibi Green,... nhằm tháo gỡ, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng hướng dẫn rà soát thủ tục pháp lý về sản phẩm hàng hóa của các cơ sở cung ứng; kịp thời tư vấn, hỗ trợ cơ sở tiến hành hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu đưa sản phẩm vào trong các hệ thống phân phối.
Cũng theo Sở Công Thương Nghệ An, những thông tin về các sản phẩm nông, thủy, hải sản Nghệ An cũng được đăng tải lên các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh thường xuyên.
Ngày 15/11/2019, sản phẩm gừng Kỳ Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5587/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00077. Diện tích quy hoạch gừng của huyện Kỳ Sơn là 450ha, nhưng đến nay đã lên tới 850ha. Cung vượt cầu cùng nhiều yếu tố khác đã dẫn tình trạng tiêu thụ gừng gặp khó khăn. |