Giá hồ tiêu tăng nhưng cần “cẩn trọng”
Sau khi bắt đáy giá hồ tiêu sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới?
Hiện, giá hồ tiêu đang duy trì đà tăng tại nhiều địa phương trọng điểm trong cả nước và được thu mua trong khoảng 71.000 - 74.500 đồng/kg. Cùng tăng 500 đồng/kg, giá hồ tiêu ngày 18/6 tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận khoảng giá từ 72.000 - 74.500 đồng/kg. So với ngày 17/6, giá hồ tiêu tại tỉnh Đồng Nai điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg, hiện đạt mức 71.000 đồng/kg.
Xuất khẩu hồ tiêu vẫn chịu áp lực kép |
Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) - cho hay, nhìn lại lịch sử thị trường hồ tiêu đã trải qua nhiều chu kỳ lên xuống giá. Trong đó, chu kỳ gần nhất từ năm 2001 - 2006 là chu kỳ giá xuống chạm đáy vào năm 2006. Từ đó, giá bắt đầu đi lên cho đến năm 2015, giá đạt đỉnh trên 200.000 đồng/kg. Từ năm 2016, giá bắt đầu đi xuống cho đến năm 2020, lại giá chạm đáy.
Cụ thể, đỉnh điểm của năm 2015 là 220.000 đồng/kg, thì từ năm từ 2016 - 2020 mỗi năm giá xuống vài chục ngàn đồng/kg, cho đến đầu tháng 4/2020 thì giá chạm đáy 34.000 đồng/kg. Từ đó, dần dần giá bắt đầu lên. Đến thời điểm này, giá hồ tiêu đang ở mức trên 70.000 đồng/kg. Ông Hồ Phước Bính nhận định, năm 2020 - 2021 là năm giá chạm đáy và bắt đầu một chu kỳ lên giá mới. Và sau 8 - 10 năm tới thì giá sẽ đạt đỉnh như chu kỳ trước.
Cơ sở để xác định thời điểm bắt đầu chu kỳ lên giá mới được ông Hồ Phước Bính đưa ra là do mấy năm vừa qua giá hồ tiêu rất thấp, càng đầu tư vào vườn tiêu thì càng bị lỗ vì vậy các chủ vườn tiêu đã bỏ bê không chăm sóc không đầu tư, rất nhiều vườn tiêu bỏ hẳn, vì vậy, diện tích giảm rất nhiều.
Qua khảo sát của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, ước tính năm 2017 là năm có diện tích cao nhất với 153.000ha, đến năm 2021 ước tính diện tích có thu hoạch chỉ còn chưa tới một nửa so với diện tích năm 2017. Cộng với thời tiết mùa mưa năm 2020, đầu năm bị hạn hán nghiêm trọng cho nên tiêu ra gié và kết trái được rất ít nên năng suất giảm rất nhiều.
“Với 2 yếu tố đó thì sản lượng của vụ thu hoạch năm 2020 - 2021 giảm rất nhiều so với năm trước. Chúng tôi ước tính sẽ phải giảm trên 30%. Nếu lấy số liệu sản lượng thu hoạch của năm 2019 - 2020 của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam là 240.000 tấn thì sản lượng năm nay chỉ còn trên dưới 150.000 tấn”, ông Hồ Phước Bính nói.
Vẫn còn những khó khăn trong ngắn hạn
Mặc dù giá cả hồ tiêu đã có tăng lên, người trồng tiêu đang có thu hoạch không còn bị lỗ và khả năng sẽ có giá tốt hơn trong tương lai nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn. Theo ông Hồ Phước Bính, dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn ít nhiều làm ảnh hưởng và giảm tiêu thụ hồ tiêu, đứt gãy lưu thông hàng hoá giữa Việt Nam và các nước, làm cho giá cước tàu vận chuyển đi các nước Trung Đông, EU, Mỹ… tăng lên quá cao, gấp 6-10 lần so với trước đây.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp ký bán trước giá thấp từ 40.000 đồng/kg đến 55.000 đồng/kg nay phải mua với giá trên 70.000 đồng/kg để giao hàng theo hợp đồng nên bị lỗ nặng. Các doanh nghiệp không bị lỗ thì đã tranh thủ mua hàng đầy kho khi giá còn thấp. Vì vậy, hiện nay dòng tiền đang bị ngưng trệ nghiêm trọng dẫn đến thời gian vừa qua giá bị giảm nhiều, kết hợp với một số đại lý chốt lời, vay tiền nóng, nên phải bán gấp, nông dân kết thúc vụ cũng cần bán một số để chi tiêu cần thiết nên giá sẽ còn thấp trong một thời gian ngắn nữa.
Do mấy năm vừa qua sản lượng hồ tiêu nguồn cung dồi dào, giá thấp nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mua trữ và khả năng một thời gian ngắn nữa mới tiêu thụ hết số hàng trữ này. Do đó, ông Hồ Phước Bính khẳng định, trong vài ba tháng tới cho đến cuối năm nay và các năm tiếp theo, giá cả sẽ tốt dần lên và khả năng đến cuối năm giá sẽ đạt từ 90.000 đồng/kg đến 100.000 đồng/kg.
Hiện nay có 6 tỉnh trồng tiêu trọng điểm với diện tích chiếm 90% đang xôn xao việc tìm mua trụ gỗ, trụ bê tông, cây trụ sống và giống để bắt đầu trồng mới diện tích hồ tiêu.
Để ngành hồ tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cần có thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời về diện tích sản xuất của Việt Nam và thế giới cũng như các khâu chế biến lưu thông tiêu thụ, đề từ đó có các thông tin chính thống giúp cho các thành phần trong ngành hàng biết được để có chiến lược phát triển phù hợp.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các giải pháp đầy đủ và kịp thời để đưa các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển các ngành hàng nông sản nói chung, ngành hàng hồ tiêu nói riêng, có thị phần xuất khẩu lớn nhất thế giới như các Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;...
Ngoài ra, cần có các chính sách kế hoạch cụ thể và tốt hơn nữa để hỗ trợ cho việc hình thành các hợp tác xã kiểu mới theo luật hợp tác xã năm 2012 và kết nối với các doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị. Có làm được việc này thì ngành nông sản mới sản xuất chế biến xuất khẩu được tốt và bền vững.
Riêng đối với việc sản xuất hồ tiêu của từng hộ gia đình thì cần có đủ 2 điều kiện cơ bản gồm: Kiến thức về trồng hồ tiêu và nắm bắt thị trường kịp thời của ngành hàng hồ tiêu và khả năng đầu tư, chăm sóc hồ tiêu để trồng mới vườn tiêu cũng như tiếp tục chăm sóc vườn tiêu hiện có.
Ông Hồ Phước Bính cũng khuyến nghị các chủ vườn không tái canh trên vườn tiêu cũ đã chết; chọn đất phù hợp với sự phát triển của cây hồ tiêu; chọn giống tốt; trồng xen canh hơn là trồng thuần; nên trồng tiêu trên cây trụ sống; đắp mô ở gốc không nên tạo bồn; nên để cỏ trong vườn tiêu, không nên làm sạch cỏ; sử dụng công nghệ tưới phun mưa tại gốc hoặc tưới nhỏ giọt; chăm bón vườn tiêu theo hướng hữu cơ sinh học để vườn tiêu phát triển bền vững và ít bị sâu bệnh hại.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kết thúc năm 2017, toàn quốc có diện tích hồ tiêu khoảng 153.000 ha, từ năm 2017 đến năm 2020, số diện tích trồng mới không đáng kể vì giá xuống rất thấp, người trồng tiêu bị lỗ nặng. |