Sẵn sàng cho siêu dự án tỷ đô
Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Dự kiến Quốc hội sẽ nghe tờ trình vào ngày mai 13/11, thảo luận tại hội trường vào 20/11.
Ngành thép Việt Nam tự tin tham gia vào Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Ảnh: Minh Đức |
Theo tính toán, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng 75,6 tỷ USD. Trong đó sản xuất phương tiện, thiết bị 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác 24,3 tỷ USD).
Tại Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bổ sung nội dung quy định các sản phẩm công nghiệp đường sắt được ưu tiên phát triển. Cụ thể, xác định công nghiệp đường sắt bao gồm: Sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải phương tiện giao thông đường sắt; sản xuất phụ kiện, phụ tùng, vật tư, thiết bị chuyên dùng cho đường sắt.
Thực tế, ngay sau khi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua chủ trương về đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, khá nhiều doanh nghiệp xây lắp, sản xuất vật liệu, chế tạo, công nghệ thông tin... đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu dự án đào tạo nguồn nhân lực để sẵn sàng tham gia.
Theo một số chuyên gia trong ngành xây dựng, các công việc liên quan tới xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam chia thành nhiều nhóm. Trong đó, phần xây dựng hạ tầng thô như cầu, hầm, đường... các nhà thầu Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhận được. Các hàng hóa cung ứng như sắt, thép, bê tông, sỏi... chiếm một phần rất lớn và các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nội địa hoàn toàn có thể cung ứng đủ nhu cầu. Phần đường ray thì khó nhất là hệ thống ray, tà vẹt với yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Trong hơn 1.000 km đường ray đường sắt cao tốc, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, doanh nghiệp cơ khí cũng có thể làm theo đơn đặt hàng thiết kế, cung ứng sắt, thép... Song đối với những phần đệm, mút, ghế tàu... thì doanh nghiệp nội hoàn toàn có thể tham gia sản xuất.
Cam kết cấp đủ 6 triệu tấn thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Trong bối cảnh này, ngành thép đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp nguyên vật liệu chính cho các hạng mục xây dựng của dự án. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp thép trong nước khẳng định vị thế và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành thép Việt Nam hiện có sự tham gia của các thành phần kinh tế đa dạng: Nhà nước, FDI và tư nhân. Trong đó, khu vực tư nhân và FDI chiếm tỉ trọng lớn và là lực lượng dẫn dắt, quyết định thị trường.
Ngành thép đã có sự tiến bộ đáng kể với các dự án lớn như Formosa Hà Tĩnh, Hòa Phát, Dung Quất đều sử dụng công nghệ lò cao - lò thổi truyền thống với thiết kế và trang bị kỹ thuật hiện đại, dung tích lò lớn; quy trình sản xuất khép kín, tối ưu hóa sử dụng năng lượng; các dây chuyền cán thép được lựa chọn kỹ thuật công nghệ tiên tiến và tự động hóa cao.
Trước đó, các nhà máy của POSCO Việt Nam, Công ty Cổ phần China Steel & Nippon Steel Việt Nam, hoặc một số nhà máy sản xuất thuộc khu vực tư nhân như Tôn Đông Á, cán nguội Hòa Phát… được đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại. Ngành thép đã chú trọng đầu tư vào các dự án quy mô lớn, sản xuất các sản phẩm trước đây chưa có như thép tấm cán nóng, thép lá cán nguội...
Đánh giá cao chủ trương "phải sử dụng" hàng hóa của doanh nghiệp trong nước sản xuất được vào các gói thầu, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết, hiện Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, thuộc top 50 thế giới về sản xuất thép với công suất đạt 8,5 triệu tấn/năm. Từ năm 2025, sau khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành thì năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát là hơn 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, thép chất lượng cao.
Được biết, trong 3 năm gần đây, Hòa Phát đã nghiên cứu về dòng sản phẩm thép ray. Việc sản xuất thép ray đường sắt cao tốc hoàn toàn nằm trong khả năng của Tập đoàn. Thực tế, Tập đoàn Hòa Phát đang khảo sát, đề xuất phương án đầu tư một số dự án lớn tại tỉnh Phú Yên, trong đó có dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép. Cơ cấu sản phẩm dự kiến tại đây tập trung vào các dòng thép chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo như thép tấm, thép kết cấu, thép hình, ray thép
"Chúng tôi tự tin cam kết 4 điểm: Một là đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao. Thứ hai là cam kết về chất lượng, tất cả các chủng loại sắt thép đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu. Thứ ba là đảm bảo thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án. Thứ tư, về giá cả Hòa Phát đảm bảo giá cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu”, ông Long bày tỏ.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, một dự án trọng điểm của Việt Nam, hứa hẹn tác động lớn đến phát triển kinh tế |
Theo tính toán của các đơn vị tư vấn, siêu dự án này sẽ cần khoảng 6 triệu tấn thép các loại, tất cả đều trong khả năng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Chủ tịch Hòa Phát cho hay, trong ba năm gần đây, tập đoàn đã nghiên cứu sản xuất thép ray, do đó việc sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc hoàn toàn nằm trong khả năng của Hòa Phát, sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của dự án với 4 cam kết: Đảm bảo đủ 6 triệu tấn thép các loại, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao; Đảm bảo chất lượng quốc tế cho tất cả các chủng loại thép, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu; Đảm bảo tiến độ giao hàng theo đúng yêu cầu của dự án; Giá cả cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu.
Theo các chuyên gia, dự án đường sắt Bắc-Nam không chỉ thúc đẩy tiêu thụ thép trong ngắn hạn mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng dài hạn cho ngành thép trong nước. Với tổng chiều dài tuyến đường lên đến hàng ngàn km, khối lượng thép sử dụng sẽ rất lớn, tạo ra nguồn cầu ổn định và liên tục trong nhiều năm.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá: Dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam sẽ trở thành một trọng điểm trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của quốc gia. Với mục tiêu kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm, giảm thời gian di chuyển và tăng cường năng lực vận tải, dự án này không chỉ giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp liên quan. Công nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp vật tư, thiết bị và công nghệ để hoàn thành dự án này. Trong đó, ngành công nghiệp xây dựng và chế tạo đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các loại vật liệu cần thiết cho việc xây dựng đường sắt, bao gồm bêtông, thép, các cấu kiện hạ tầng như cầu, cống, đường hầm.
Ngoài ra, ngành công nghiệp sản xuất thiết bị kỹ thuật cao như đầu máy, toa xe, hệ thống điện và tín hiệu cũng cần phát triển mạnh mẽ. Những thiết bị này không chỉ đòi hỏi công nghệ tiên tiến mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhận định, Việt Nam phải nghiên cứu dần, chuyển giao dần, tiếp quản dần công nghệ. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động đề xuất những chính sách ưu đãi để hình thành và phát triển được một cơ khí công nghiệp, nền cơ khí công nghiệp của đường sắt.