Đúc rút thực tiễn kịp thời để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân: Thương mại điện tử tại Việt Nam khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế số.
Những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù, kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 25%, với quy mô doanh thu 20,5 tỷ USD. Dự báo, năm 2024, quy mô thị trường sẽ vượt mốc 25 tỷ USD, minh chứng rõ nét cho sự phát triển bền vững và tiềm năng của lĩnh vực này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng: Việt Nam đang dần tạo dựng một ngành lúa gạo khác biệt.
Việt Nam đang dần tạo dựng một ngành lúa gạo khác biệt so với các nước là tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng cao. Từ đó định hình thương hiệu gạo Việt Nam là phân khúc gạo chất lượng cao và đây cũng là định hướng từ nay đến hết năm 2030.
Có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, bộ, ngành, ngân hàng trước các khó khăn của thị trường, giúp ngành lúa gạo vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước vừa xuất khẩu đạt kết quả cao, giá gạo ở mức tốt.
Dù đạt được kết quả khả quan, song trước mắt, xuất khẩu gạo vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tình hình thương mại, lương thực chịu tác động nhiều yếu tố bất lợi, khó lường bởi lạm phát và xung đột địa chính trị toàn cầu. Để tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong dài hạn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và thương nhân cần tích cực phối hợp với Bộ Công Thương cùng triển khai để đảm bảo: Tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long: Hợp tác Việt Nam - EU là động lực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh.
Thời gian qua, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Điều đáng nói, với ưu đãi từ EVFTA, cùng những định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam đã khiến các nhà đầu tư EU tìm tới thị trường Việt Nam không chỉ hướng đến thị trường tiêu thụ hay coi đây là bàn đạp để phát triển tại các thị trường ASEAN cũng như các nước có FTA với Việt Nam, mà còn vì chính sách ưu tiên phát triển năng lượng xanh, phát thải thấp.
EU hiện là đối tác đi đầu với những cam kết và hành động mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu và đã đạt được những bước tiến dài. Với những kinh nghiệm và thực tiễn phong phú, cùng tiềm lực về công nghệ và tài chính của EU, Việt Nam mong muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và bền vững, bao gồm cả vấn đề sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ cao trong sản xuất, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bền vững, cùng có lợi với EU.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài: Kỳ vọng đột phá phát triển các dự án năng lượng tái tạo
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng xanh, sạch ngày càng gia tăng, cùng những yêu cầu ngày một khắt khe về chuyển dịch năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon, Chính phủ đã kịp thời ban hành 3 nghị định: 80/2024/ NĐ-CP, 115/2024/NĐ-CP, 135/2024/NĐ-CP là những văn bản pháp lý mang tính đột phá, tạo ra cơ sở vững chắc cho việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Các quy định tại nghị định không chỉ góp phần thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng xanh, sạch, mà còn là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu chuyển dịch năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.