Chuyên gia kinh tế PGS. TS Nguyễn Thường Lạng đã có những chia sẻ với phóng viên (PV) báo Công Thương về Quy hoạch điện VIII và kế hoạch thực hiện Quy hoạch vừa được phê duyệt.
Thưa chuyên gia, ông đánh giá thế nào về vai trò của Quy hoạch điện VIII trong quá trình phát triển đất nước?
Quy hoạch điện VIII không chỉ thuần túy về điện mà còn là về năng lượng. Nó khẳng định một bước trưởng thành đáng kể về tư duy hoạch định thể chế phát triển năng lượng điện so với Quy hoạch điện VII. Đây là quy hoạch tích hợp và tiếp cận được đáng kể xu hướng phát triển năng lượng hiện đại với tầm nhìn mới về tương lai ngành năng lượng, sứ mệnh mới của ngành gắn với sự nghiệp phát triển đất nước và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, phát huy vị trí và vai trò của ngành một cách hiệu quả.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII vừa được Chính phủ phê duyệt. Ảnh VGP. |
Những vấn đề cốt lõi của năng lượng Việt Nam được xác định có cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc.
Thứ nhất, đó là việc xác định cơ cấu nội ngành năng lượng với các ngành điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Cơ cấu nội ngành quyết định sức mạnh của ngành và tiềm năng đóng góp rất lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng bền vững và phát huy thế mạnh đa dạng năng lượng quốc gia.
Thứ hai, quy hoạch tính toán khái quát nhu cầu tổng cung và tổng cầu năng lượng cũng như chỉ rõ xu hướng chuyển dịch năng lượng theo hướng giảm năng lượng truyền thống, nhiên liệu hoá thạch, tăng tỷ trọng năng lượng mới theo sát xu hướng thế giới.
Thứ ba, quy hoạch chỉ ra mối quan hệ giữa lĩnh vực năng lượng với các lĩnh vực khác và chỉ ra phát triển lĩnh vực năng lượng theo hướng bền vững sẽ tạo nền tảng để phát triển kinh tế bền vững.
Thứ tư, quy hoạch chỉ ra triển vọng hợp tác quốc tế lĩnh vực năng lượng với các nước trong và ngoài khu vực, chỉ ra các cơ hội phát triển công nghiệp năng lượng hướng ngoại cả đầu vào và đầu ra. Theo đó tiềm năng năng lượng quốc gia được phát huy gắn với tiềm năng bên ngoài quốc gia. Những yếu tố về thể chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, hạ tầng, tài chính, nhân lực đều được đề cập.
Quy hoạch còn cho thấy sự trưởng thành đáng kể của ngành năng lượng sau 70 năm. Mặc dù là ngành độc quyền tự nhiên song tinh thần phục vụ sản xuất và đời sống rất cao, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và khắc phục được kịp thời và hiệu quả các cuộc khủng hoảng năng lượng và ổn định cơ bản được giá năng lượng trong mọi tình huống.
Những bối cảnh mới nào cần chú ý trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện VIII, thưa ông?
Trong giai đoạn mới, với xu hướng thay đổi nhanh chóng của thị trường năng lượng thế giới, xu hướng chuyển đổi cơ cấu năng lượng diễn ra nhanh chóng, các dạng năng lượng mới xuất hiện như năng lượng hydrogen có thể tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng trong ngành năng lượng. Đồng thời, các tác động bất lợi do dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng GDP có giảm với tốc độ giả định, nhiều cam kết mới vừa đạt được sau khi thông qua Quy hoạch điện VIII như cam kết “net zero” vào năm 2050, cũng như nhiều đạo luật mới có liên quan đến lĩnh vực năng lượng có sự thay đổi như Luật Đất đai và sắp tới là sửa đổi Luật Điện lực, Luật sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, xu hướng đổi mới sáng tạo trong ngành.
Chuyên gia Nguyễn Thường Lạng |
Những bối cảnh như thế cho thấy một mặt, tiếp tục triển khai thực hiện theo quy hoạch, mặt khác cần cập nhật các yếu tố mới để Quy hoạch điện VIII trở thành chỗ dựa vững chắc phát triển lĩnh vực năng lượng đúng hướng, gắn chuyển dịch cơ cấu năng lượng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng sức chống chịu của ngành và không bỏ lỡ cơ hội phát triển năng lượng theo cơ cấu hiện đại, tuân thủ tích cực, chủ động để hướng tới phát triển ngành năng lượng bền vững.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của Bộ Công Thương trong phát triển năng lượng của đất nước?
Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối tham mưu chiến lược, chính sách cũng như tổ chức thực hiện và quản lý năng lượng quốc gia và các địa phương. Đây là cơ quan trực tiếp điều hành và theo dõi, quản lý, kiểm tra giám sát quy hoạch năng lượng. Có thể nói, thời gian qua Bộ Công Thương đã thực hiện có hiệu quả chức năng và nhiệm vụ của mình trong việc phối hợp với các cơ quan khác và các địa phương, tổ chức trong nước và quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp và cả từng người dân để hoàn thiện từng bước thể chế năng lượng quốc gia. Những kết quả này rất đáng trân trọng và tôn vinh.
Trong giai đoạn mới, những kết quả đạt được cần phát huy. Song với bối cảnh mới trong chuyển dịch năng lượng toàn cầu với tốc độ nhanh chóng, mục tiêu đưa đất nước thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thực hiện quy hoạch, chiến lược, chính sách năng lượng trong điều kiện mới, Bộ cần có cách tiếp cận mới, các công cụ quản lý mới phù hợp với chuyển dịch năng lượng và công cụ quản trị thông minh trên nền tảng số, cụ thể hoá quy hoạch thành chiến lược, chính sách, đề án cụ thể, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả, tích cực học tập thực hiện tốt và xây dựng mô hình quản lý khoa học, hiệu năng cao.
Đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng nhiều giải pháp tốt, tổ chức mô hình quản trị năng lượng thông minh và quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược trong toàn ngành năng lượng gồm hoàn thiện thể chế, nâng cao và hiện đại hoá, thông minh hoá cơ sở hạ tầng năng lượng quốc gia thống nhất và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo trình độ thế giới.
Xin cảm ơn ông!