'Hậu trường' xây dựng Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân Tổng Giám đốc ACB: Nghị quyết 68 chạm đúng 'điểm nghẽn' của doanh nghiệp Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói gì về Nghị quyết 68? |
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Nhân dịp này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Trưởng Bộ môn, phụ trách Bộ môn Logistics, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải về các nội dung tại Nghị quyết cũng như những tác động đến sự phát triển của kinh tế tư nhân nói riêng và nền kinh tế nói chung trong giai đoạn tới.
Cú hích thể chế mang tính lịch sử
- Bà đánh giá như thế nào về Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ban hành?
TS Nguyễn Thị Thu Hường: Nghị quyết 68-NQ/TW là cột mốc lớn trong tư duy phát triển, bởi trước đây kinh tế tư nhân chỉ được xác định là một trong các thành phần của nền kinh tế, nay đã chuyển sang vai trò “một trong những động lực quan trọng nhất”. Nghị quyết cũng đưa ra một hệ thống giải pháp toàn diện, từ hoàn thiện thể chế, mở rộng tiếp cận nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền tài sản, đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tinh thần doanh nhân.
![]() |
TS Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Trưởng Bộ môn, phụ trách Bộ môn Logistics, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải. Ảnh: NVCC |
Điểm đặc biệt đáng chú ý là Nghị quyết này được ban hành trong bối cảnh: Khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm hơn 43% GDP, đóng góp trên 85% việc làm ngoài khu vực nhà nước và có vai trò then chốt trong lĩnh vực bán lẻ, logistics, công nghệ, dịch vụ số. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp, nhiều đơn vị thiếu vốn, khó tiếp cận đất đai, tín dụng, công nghệ và vẫn đối mặt với rào cản thủ tục hành chính.
Do đó, Nghị quyết 68 xuất hiện như cú hích thể chế, nhằm tháo gỡ triệt để các điểm nghẽn cũ, đồng thời mở ra không gian phát triển mới cho doanh nghiệp tư nhân.
- Thưa bà, việc xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất có ý nghĩa như thế nào về mặt thể chế, tư duy quản lý và hoạch định chính sách?
TS Nguyễn Thị Thu Hường: Theo tôi, một trong những đột phá lớn của Nghị quyết là về tư duy quản lý nhà nước. Thay vì quản lý, cấp phép, giám sát, nhà nước được định vị lại là người kiến tạo, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Từ việc chuyển sang hậu kiểm thay vì tiền kiểm, đến chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự, Nghị quyết 68 thể hiện rõ tinh thần trân trọng doanh nhân, tôn trọng thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh.
Cụ thể, Nghị quyết nêu rõ: Bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp, quyền tự do kinh doanh của doanh nhân theo Hiến pháp; Xử lý vi phạm bằng các biện pháp hành chính kinh tế dân sự là chính, chỉ áp dụng hình sự với các trường hợp nghiêm trọng, cố ý; Tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, công bằng giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt công tư.
Do đó, tôi cho rằng, tư duy này không chỉ giải phóng quyền lực thị trường mà còn giải phóng tâm lý e ngại, nỗi lo đụng đâu cũng sai của doanh nghiệp, vốn là rào cản vô hình nhưng dai dẳng suốt nhiều năm.
Mở rộng tiếp cận nguồn lực
- Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả. Theo bà đâu là động lực chính giúp hiện thực hóa con số này?
TS Nguyễn Thị Thu Hường: Một trong những mục tiêu lớn của Nghị quyết là đến năm 2030, Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả và có ít nhất 3 triệu vào năm 2045. Đây là con số tham vọng nhưng không xa vời nếu có các động lực sau:
Một là, thể chế hóa và số hóa quản lý đất đai, tín dụng, đầu tư công, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận mặt bằng sản xuất, nguồn vốn và cơ hội thị trường.
Hai là, khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay dựa trên dòng tiền thay vì tài sản thế chấp. Đồng thời, phát triển các kênh huy động vốn mới như fintech, trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư tư nhân.
![]() |
Nghị quyết 68-NQ/TW nêu rõ kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Ảnh minh họa |
Ba là, tăng cường liên kết doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước, hình thành hệ sinh thái chuỗi giá trị bền vững.
Bốn là, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, chuyển đổi số thông qua sandbox công nghệ, quỹ phát triển khoa học công nghệ.
Đặc biệt, chuyển đổi số là nội dung nổi bật được nhấn mạnh trong Nghị quyết. Đây được xem là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp nhỏ vươn tầm, tăng năng suất và tiếp cận thị trường toàn cầu.
- Nếu chọn ra một từ khóa để nói về tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW, bà sẽ chọn từ nào? Vì sao?
TS Nguyễn Thị Thu Hường: Nếu chọn một từ khóa để mô tả tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 68, thì tôi sẽ chọn “giải phóng”, bao gồm giải phóng tư duy, giải phóng nguồn lực và giải phóng niềm tin.
Giải phóng tư duy, không còn phân biệt công tư, lớn nhỏ, trong nước, ngoài nước, mà cùng hướng đến một thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Giải phóng nguồn lực, hàng triệu tỷ đồng trong dân, trong cộng đồng doanh nghiệp sẽ được khai thông nếu có chính sách đúng và kịp thời.
Giải phóng niềm tin, khi doanh nghiệp cảm thấy an tâm đầu tư dài hạn, không còn lo sợ về chính sách bất nhất hay can thiệp hành chính quá mức.
Theo tôi, từ khóa “giải phóng” chính là thông điệp mà Nghị quyết 68 muốn gửi đến toàn xã hội rằng kinh tế tư nhân không chỉ là người làm thuê cho GDP, mà là người đồng hành kiến tạo tương lai đất nước.
Xin cảm ơn bà!
Nghị quyết 68-NQ/TW nêu rõ, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng. |