“Đu” sóng xuất khẩu gạo tăng giá vẫn cần giữ vững chất lượng
Một số nước cấm xuất khẩu gạo, cơ hội của gạo Việt đến đâu?
Ngày 29/7, Chính phủ Nga thông báo cấm xuất khẩu gạo cho đến hết ngày 31/12 năm nay. Các trường hợp ngoại lệ là Liên minh Kinh tế Á – Âu, Abkhazia và Nam Ossetia. Bên cạnh đó, nước này vẫn có thể gửi gạo ra nước ngoài vì mục đích nhân đạo.
Đến năm 2030, Việt Nam giảm mục tiêu xuất khẩu gạo còn khoảng 4 triệu tấn |
Trước đó một ngày, Bộ Kinh tế Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) quyết định dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Quy định này có hiệu lực ngay lập tức, áp dụng với tất cả loại gạo.
Các động thái này được đưa ra chỉ một tuần sau khi Tổng cục Ngoại thương (thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ) quyết định dừng xuất khẩu gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á). Thông báo này có hiệu lực ngay lập tức. Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Động thái của các nước diễn ra trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn và sức ép lạm phát làm lung lay nhiều nền kinh tế, biến đổi khí hậu,…. Các nước vì thế phải áp dụng biện pháp chủ động để đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ thị trường trong nước khỏi biến động giá.
Ông Nitin Gupta, Phó Chủ tịch kinh doanh gạo của tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực nông sản Olam Ấn Độ, cho biết: Tác động của El Nino không chỉ giới hạn ở bất kỳ quốc gia nào mà ảnh hưởng đến sản lượng gạo ở hầu hết các nước sản xuất.
Số liệu thống kê cho thấy, giá gạo trắng không thuộc giống basmati tại Ấn Độ đã tăng gần 10% trong tháng 7/2023. Nếu như vào tháng 9/2023, một tấn gạo loại này ở Ấn Độ có giá khoảng 330 USD, thì hiện tại đã lên tới 450 USD. Ấn Độ là quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới, chiếm tới hơn 40% xuất khẩu gạo trên toàn cầu.
Xu hướng một số nước tạm cấm xuất khẩu gạo nổi lên đúng vào thời điểm chuỗi cung ứng lương thực thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, hệ lụy đại dịch Covid-19, xung đột chính trị… cũng tạo ra cơ hội cho những nước có tiềm năng xuất khẩu lúa gạo, điển hình như Việt Nam.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - thông tin, ngành gạo Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn, tuy nhiên dù cơ hội có tốt đến đâu, mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta vẫn là đảm bảo an ninh lương thực. Do vậy tùy theo tình hình thị trường, thời điểm, Chính phủ và các Bộ ngành sẽ có sự điều tiết linh hoạt giữa tiêu thụ trong nước - dự trữ - xuất khẩu.
Người đứng đầu Cục Trồng trọt cũng dự báo, năm 2023, xuất khẩu gạo Việt có thể đạt nhiều hơn 7 triệu tấn, còn mức tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào tình hình cụ thể.
Giữ chất lượng để đi đường xa
Cách đây 15 năm (năm 2008), chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trên quy mô toàn cầu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có thời điểm lên đến trên 1.000 USD/tấn.
Với những thuận lợi về thị trường, các doanh nghiệp nhận định, năm nay, xuất khẩu gạo có thể mang về trên 4 tỷ USD. “Thời cơ đến ai cũng muốn chớp, tôi hy vọng giá gạo nửa cuối năm 2023 tiếp tục ở mức cao, còn mức tăng thế nào sẽ phụ thuộc vào tình hình thị trường. Với những tín hiệu tích cực, xuất khẩu gạo cả năm 2023 có thể đạt được 4 tỷ USD, thậm chí cao hơn”, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long dự báo.
Không phải lo lắng về vấn đề mất an ninh lương thực với lúa gạo, bởi việc đảm bảo nguồn cung trong nước chưa bao giờ là vấn đề so với năng lực sản xuất của nước ta, ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, mỗi năm chúng ta sản xuất khoảng 42 triệu tấn lúa, trong đó tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 14 triệu tấn. Chúng ta chỉ cần lo việc mình bán hết lượng sản xuất ra.
Hiện trên thế giới có tới 55 quốc gia sản xuất gạo, mùa vụ chồng chéo nhau, nước này chưa sản xuất nhưng nước kia đã thu hoạch. Các chuyên gia nhận định, ngành lúa gạo chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như thời tiết, thị trường, chính trị… song do đặc thù mùa vụ ngắn nên giá mặt hàng này có thể tăng rất cao và nhanh, nhưng chu kỳ thường không kéo dài quá lâu.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – khuyến nghị, chúng ta không nên quá kỳ vọng về việc thiếu hụt lúa gạo toàn cầu trong thời gian dài để tìm cơ hội giá tăng giá gạo. Cơ hội nâng giá bền vững chỉ có thể tập trung vào chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thương hiệu. Đây vẫn phải là chiến lược đường dài cho ngành lúa gạo Việt Nam.
“Có thể nói, giá gạo Việt Nam đang ở trong một chu kỳ tăng khá rực rỡ, tuy nhiên “sóng” này được cho rằng đến nhanh và đi cũng nhanh”, ông Lê Thanh Tùng nhận định.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, bối cảnh năm 2023 đặt Việt Nam vào vai trò và vị thế đặc biệt là làm sao chúng ta có thể tận dụng tốt cơ hội về giá mà vẫn phải đảm bảo uy tín của nhà cung cấp có trách nhiệm. Khi nhu cầu tăng thì đâu đó người kinh doanh sẽ chạy theo số lượng. Đây là điều cần tránh và nên kiên trì theo hướng chất lượng và thương hiệu để phát triển lâu dài vì sốt giá chỉ có tính chất thời đoạn.
Trong 5 năm gần đây (từ năm 2018 - 2022), xuất khẩu gạo duy trì khối lượng trên 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm (lần lượt đạt 6,1 triệu tấn, 6,36 triệu tấn, 6,24 triệu tấn, 6,23 triệu tấn và 7,1 triệu tấn) với giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD mỗi năm. Năm 2022, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 7,1 triệu tấn (tăng 16,3% so với năm 2018), giá trị xuất khẩu đạt 3,45 tỷ USD (tăng 12,7% so với năm 2018). 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 4,38 triệu tấn gạo với trị giá 2,68 tỷ USD. |