Đồng Tháp: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp, làng nghề
Địa phương dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng Tháp là địa phương đầu tiên có sản phẩm OCOP phát triển mạnh nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua hơn 4 năm triển khai chương trình, các sản phẩm đặc trưng của “Đất Sen hồng” đã dần phát triển mạnh hơn cả về số lượng, lẫn chất lượng.
Đồng Tháp là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP phát triển đứng đầu trong vùng đồng bằng sông Cửu Long |
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, Đồng Tháp là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP phát triển đứng đầu trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 4 trên cả nước.
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 357 sản phẩm OCOP, trong đó, có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 81 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 275 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Hiện còn 3 sản phẩm tiềm năng đang đợi Hội đồng Trung ương xét đánh giá, phân hạng 5 sao.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, những sản phẩm OCOP của Đồng Tháp đã từng bước thâm nhập vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại để tiếp cận với người tiêu dùng. Ngoài ra, phong trào khởi nghiệp đã tạo ra sự lan tỏa cho sản phẩm OCOP, biến những sản phẩm từ làng quê của vùng đất Sen hồng - Đồng Tháp đến với người tiêu dùng.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đồng Tháp sẽ rà soát, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình đủ điều kiện phát triển lên doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu.
Cùng với đó, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, quản lý cho các chủ thể OCOP phát triển sản phẩm cũng như triển khai, hướng dẫn chính sách hỗ trợ để các sản phẩm OCOP có điều kiện thâm nhập vào hệ thống siêu thị và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Tạo lợi thế kép
Việc triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp, làng nghề thời gian qua được tỉnh Đồng Tháp đặc biệt chú trọng và đang từng bước hỗ trợ các địa phương xây dựng các điểm du lịch và làng nghề đạt tiêu chuẩn OCOP.
Du khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm và mua sắm sản phẩm của Làng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: CTV) |
Ông Huỳnh Kim Khuê - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp - cho biết: Việc gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch là nhiệm vụ trọng tâm. Đây là hướng đi quan trọng nhằm phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, môi trường nông thôn, phát triển hình ảnh địa phương.
Đến nay, tỉnh có 154 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đang khai thác phục vụ khách du lịch và 39 làng nghề, làng nghề truyền thống. Hiện đã có một số làng nghề gắn kết du lịch như: Làng nghề truyền thống dệt chiếu (huyện Lấp Vò), Làng nghề truyền thống trồng hoa kiểng (TP. Sa Đéc), Làng nghề dệt choàng (huyện Hồng Ngự) vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... nổi bật nhất là các mô hình ở TP. Sa Đéc và huyện Tháp Mười, Lai Vung.
Trong đó, mô hình du lịch - nông nghiệp thành công nhất là TP. Sa Đéc. Hiện địa phương này có 12 điểm tham quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Trong đó, có 6 điểm cộng đồng đủ điều kiện được UBND tỉnh Đồng Tháp ra quyết định công nhận “Điểm du lịch” cấp tỉnh theo Luật Du lịch 2017. Ngoài ra, còn có 3 điểm du lịch cộng đồng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao theo Bộ tiêu chí du lịch nông thôn như: Happyland Hùng Thy, Vườn kiểng Ngọc Lan, Homestay Ngôi nhà Hoa Ếch...
Có thể thấy, các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, đã giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp, làng nghề của Đồng Tháp đạt hiệu quả trong thời gian tới, các sản phẩm này cùng nằm trong chuỗi giá trị, không tách rời nhau, tạo lợi thế kép trong phát triển. Mặt khác cần có sản phẩm đặc trưng OCOP mang yếu tố bản địa từ những làng nghề và cần phải xác định sản phẩm OCOP phù hợp gắn với du lịch để tập trung đầu tư.
Ngoài ra, cần có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản tỉnh Đồng Tháp gắn với doanh nghiệp lữ hành, để các đơn vị lữ hành, thiết kế những chương trình du lịch tham quan và trải nghiệm hấp dẫn, có tính liên kết tại nhiều điểm OCOP. Đồng thời thường xuyên có những chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu du khách mua những sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Để đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp, làng nghề, thời gian tới, ông Huỳnh Kim Khuê cho biết, Trung tâm sẽ có nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ đào tạo và kết nối thêm cho các hoạt động của du lịch và OCOP Đồng Tháp. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường quảng bá, đẩy mạnh liên kết, xây dựng các sản phẩm OCOP đặc trưng gắn với du lịch nông thôn, hấp dẫn nhằm thu hút khách đến với Đồng Tháp nhiều hơn, ở lại lưu trú lâu hơn, sử dụng dịch vụ nhiều hơn.