Chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm giới thiệu về vùng đất, con người, tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm du lịch của 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh. Qua đó, mở rộng liên kết, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác phát triển du lịch, tăng trưởng lượng khách du lịch của ba tỉnh trong thời gian tới.
Ông Lê Ngọc Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên - phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Lê Ngọc Linh cho biết: Thái Nguyên là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, với tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú.
Trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 di tích được kiểm kê, gần 300 làng nghề, trên 200 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Thái Nguyên là "cái nôi" cách mạng với những "địa chỉ đỏ" như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa...
Thái Nguyên còn là vùng đất non xanh nước biếc, khí hậu trong lành, được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp, có núi, rừng, sông, hồ, hang động, suối thác... với những danh thắng nổi tiếng như, hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà và những đồi chè xanh ngát thơ mộng.
Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng, phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa Trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.
Với nhiều điểm đến hấp dẫn, 6 tháng đầu năm nay, tổng lượng khách du lịch đến Thái Nguyên ước đạt 1,8 triệu lượt người (tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước); doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt 943 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ năm trước).
Để đáp ứng cơ sở vật chất phục vụ việc lưu trú, tham quan của du khách, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú.
Toàn tỉnh hiện có 535 cơ sở lưu trú với khoảng 6.900 phòng, buồng. Trong đó, có 59 khách sạn, 400 cơ sở lưu trú hạng nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê và 100 nhà hàng có sức chứa lớn, nhiều nhà hàng chất lượng có quy mô phục vụ đoàn 1.000 khách.
"Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, Thái Nguyên luôn mở rộng vòng tay chào đón bạn bè, tăng cường mời gọi các nhà đầu tư đến hợp tác, phát triển", ông Lê Ngọc Linh nhấn mạnh.
Quang cảnh hội nghị |
Tại hội nghị, đại diện địa phương, doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch tiêu biểu của tỉnh. Đồng thời trao đổi, thảo luận và đưa ra kiến nghị, giải pháp thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch giữa các tỉnh.
Theo ông Ngô Cao Kiên - Giám đốc điểm du lịch cộng đồng bản Ven, huyện Yên Thế (Bắc Giang), Bắc Giang và Thái Nguyên đều là những tỉnh ở khu vực Đông Bắc Việt Nam, có vị trí địa lý thuận lợi, gần Thủ đô Hà Nội, nằm trên các tuyến giao thông quan trọng.
Hiện nay, mặc dù Bắc Giang và Thái Nguyên đều có tiềm năng lớn về du lịch, song sự phát triển vẫn chưa xứng tầm do chưa có sự kết nối và hợp tác chặt chẽ giữa hai địa phương.
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch còn rời rạc, thiếu sự phối hợp đồng bộ. Nhu cầu tăng cường hợp tác giữa hai tỉnh ngày càng trở nên cấp thiết để tận dụng tối đa tiềm năng và thế mạnh, đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch liên kết hấp dẫn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách trong nước, quốc tế.
Các tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp du lịch kết nối, hợp tác trong việc xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch mới. Doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng có thể hợp tác cung cấp gói dịch vụ toàn diện cho du khách.
Các tỉnh cần phối hợp nâng cấp hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú và dịch vụ hỗ trợ du lịch khác. Đặc biệt, cần tập trung việc kết nối giao thông giữa các điểm du lịch trọng điểm, tạo thuận tiện cho du khách. Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.