Doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư sang thị trường Ấn Độ
Chương trình đầu tiên trong chuỗi sự kiện này có chủ đề “Quy định và thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh tại Ấn Độ”. Diễn giả chính của chương trình là ông Manan Agarwal, Giám đốc Công ty Tư vấn KrayMan Consultants LLP, người có nhiều kinh nghiệm chuyên môn về luật doanh nghiệp, các quy định về thành lập doanh nghiệp, các thủ tục về thuế.
Tham dự sự kiện có ông Phạm Sanh Châu - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương; Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ và hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam, các học giả nghiên cứu, sinh viên đại học. Đặc biệt hội nghị có sự tham dự của 5 doanh nghiệp Việt Nam đang mong muốn mở văn phòng đại diện, thành lập doanh nghiệp liên doanh tại Ấn Độ.
Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ lần đầu vượt 13 tỷ USD trong năm 2021, đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại đứng thứ 8 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Hồng Kong). Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của hai nước. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là thiếu sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ.
Thực tế cho thấy, nếu không có sự hiện diện thể nhân tại Ấn Độ, doanh nghiệp Việt Nam thường khó tìm kiếm được đối tác lớn uy tín và thường bị thua thiệt trong các vụ việc tranh chấp thương mại. Vì vậy, hiểu biết về luật pháp ấn độ, tập quán thương mại tại Ấn Độ và các thông tin thị trường Ấn Độ là yêu cầu bắt buộc để làm ăn kinh doanh lâu dài với đối tác thương mại quan trọng này, nhằm đưa thương mại song phương nhanh chóng vượt qua mức 15 tỷ và hướng tới các mục tiêu tham vọng hơn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, ông Đỗ Quốc Hưng hoan nghênh sáng kiến về việc tổ chức chuỗi sự kiện 50 chương trình nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ của Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ. Ông khẳng định hoạt động này là hết sức thiết thực, giúp đỡ doanh nghiệp của hai quốc gia tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đây là những hoạt động cụ thể, gắn liền với thực tiễn, giúp cộng đồng doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hoạt động kinh doanh, qua đó thúc đẩy thương mại song phương phát triển tương xứng với tiềm năng, sớm đạt được mục tiêu 15 tỷ USD mà lãnh đạo hai nước đã đặt ra. Hy vọng các doanh nghiệp tích cực tham gia thảo luận, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thành công, để giúp đỡ cộng đồng các doanh nghiệp cùng phát triển. Ông Hưng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác, giải đáp, tháo gỡ những thắc mắc của doanh nghiệp khi kinh doanh tại thị trường Ấn Độ.
Hội nghị có sự tham gia của Đại sứ Phạm Sanh Châu, là người đã có nhiều năm kinh nghiệm tại Ấn Độ, ông chỉ ra rằng việc thiếu vắng sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Ấn Độ là một hạn chế lớn khiến hoạt động thương mại giữa hai nước chưa thực sự sôi nổi.
Mặc dù thương mại song phương giữa Việt Nam với Ấn Độ tăng mạnh trong thời gian vừa qua, nhưng vẫn còn rất khiêm tốn khi so sánh thương mại song phương giữa Việt Nam với Hoa Kỳ hoặc Việt Nam với Trung Quốc, qua kinh nghiệm hỗ trợ thành công các nhà đầu tư Ấn Độ thành lập công việc dược phẩm tại Việt Nam thì việc thành lập các thể nhân của doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ là rất cần thiết. Đại sứ đã đánh giá cao và biểu dương Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã có sáng kiến tổ chức chương trình này, đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Tại hội nghị, ông Manan Agarwal, Giám đốc Công ty Tư vấn KrayMan Consultants LLP, đã trình bày về: (i) Tổng quan kinh tế Ấn Độ và khẳng định Ấn Độ là một trung tâm sản xuất và trung tâm tiêu dùng của thế giới với quy mô dân số, cơ cấu dân số và quyết tâm phát triển của giới lãnh đạo; (ii) tình hình và chính sách thu hút FDI của Ấn Độ, chính sách kích thích liên kết sản xuất tại Ấn độ; (iii) các loại hình doanh nghiệp mà doanh nghiệp nước ngoài có thể thành lập tại Ấn Độ với các quyền và nghĩa vụ tương ứng, thủ tục và các điểm lưu ý khi thành lập; (iiii) hệ thống thuế của Ấn Độ.
Để các chương trình mang lại hiệu quả thiết thực và đáp ứng nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ đã đề nghị doanh nghiệp Việt Nam gửi những đề nghị cụ thể, Thương vụ sẽ làm việc với các chuyên gia, đối tác Ấn Độ tổ chức những chương trình phù hợp.
Tại hội nghị, các chuyên gia đã giải đáp nhiều câu hỏi của doanh nghiệp Việt Nam về chính sách thu hút FDI của Ấn Độ, trình tự, thủ tục và các bước để thành lập doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ.