Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI đánh giá: Đây là cuộc vận động có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy các nhà sản xuất đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam. Để thực hiện tốt cuộc vận động này, nhiều doanh nghiệp đã cơ cấu lại sản xuất, nâng cao năng lực quản trị, tiết giảm chi phí... Nhiều sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã chinh phục được thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao của người dân trong nước. Đã có khoảng 90% hàng hóa do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được hệ thống phân phối, bán lẻ đưa vào bán tại các siêu thị lớn. Đó là một minh chứng khẳng định sự nỗ lực của doanh nghiệp cũng như sự thành công của Cuộc vận động trong 10 năm vừa qua.
Địa diện một số doanh nghiệp trao đổi tại hội nghị |
Ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT-Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi, Chế biến và Xuất khẩu (APROCIMEX) nhận xét: Người Việt Nam đã có một thời rất sính hàng ngoại. Một nguyên nhân quan trọng là do sản xuất hàng hóa trong nước không đáp ứng được nhu cầu cả về lượng, chất và giá cả. Sau 10 năm triển khai Cuộc vận động, tư duy của cả người sản xuất và tiêu dùng đã thay đổi, có trách nhiệm hơn với nền kinh tế. Doanh nghiệp đã coi thị trường nội địa là một mục tiêu quan trọng hướng tới, tính tự tôn dân tộc của người dân đã cao hơn khi tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và giá cả.
Bà Ninh Thị Ty - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm bày tỏ: Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã phát động Cuộc vận động, Tập đoàn Hồ Gươm đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh từ chỉ chú trọng vào xuất khẩu sang tập trung coi thị trường nội địa là một hướng đi trọng tâm. Doanh thu từ thị trường trong nước của Tập đoàn đã ngày càng một tăng, sản phẩm may mặc của Tập đoàn không chỉ khẳng định được thương hiệu ở trong nước, mà còn được lựa chọn là 1 sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thông qua Amazon. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để chinh phục thị trường trong nước cùng với xuất khẩu” - bà Ty chia sẻ.
Ông Phí Ngọc Trung - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Thành Foods cho biết: Hưởng ứng Cuộc vận động, công ty đã duy trì phát triển các sản phẩm truyền thống thuần Việt, chú trọng kênh phân phối trong nước. Công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm, nguồn nhân lực… đều được cải thiện đáp ứng yêu cầu các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn cao. Sản phẩm của Trung Thành không chỉ khẳng định chỗ đứng tốt ở trong nước, mà có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Hội nghị tổng kết 10 năm VCCI triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam |
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng trăn trở, hiện nay, Cuộc vận động đang có dấu hiệu chững lại, nhất là công tác tuyên truyền… Trong khi nhiều doanh nghiệp nỗ lực đầu tư, cải tiến công nghệ… để cho ra những sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, khẳng định thương hiệu trên thương trường, thì lại bị làm nhái, làm giả, khiến họ không chỉ rất vất vả tự bảo vệ thương hiệu, mà còn mất nhiều thời gian phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Ngoài ra, hệ thống phân phối, bán lẻ trong nước còn yếu, lép vế gần như hoàn toàn so với hệ thống phân phối, bán lẻ do các nhà đầu tư nước ngoài phát triển. Thậm chí, có nhiều sản phẩm hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam sản xuất bày bán tại các siêu thị, nhưng lại là gia công cho các thương hiệu của nước ngoài… Đây là một thách thức lớn đối với các nhà sản xuất hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam. Những vấn đề này, doanh nghiệp mong muốn Nhà nước, các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tháo gỡ thiết thực hơn, bởi có những vấn đề không chỉ mang tính khách quan, mà phát sinh từ thể chế, cơ chế, chính sách.
Hầu hết các doanh nghiệp tham dự hội nghị đều mong muốn, trong thời gian tới, Cuộc vận động sẽ tiếp tục được triển khai sâu, rộng, chất lượng, hiệu quả hơn. Ông Đoàn Trọng Lý bày tỏ: “Tôi rất mong muốn, tinh thần Cuộc vận động sẽ sống mãi, qua đó các doanh nghiệp nêu cao trách nhiệm với xã hội, với đất nước, tiếp tục đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản trị…, tạo ra nhiều hàng hóa tốt, giá cả phù hợp, chất lượng cao phục vụ tốt hơn người dân trong nước và vươn ra chiếm lĩnh thị trường thế giới”.
Bà Ninh Thị Ty thì cho rằng: Nhiều sản phẩm hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã có chỗ đứng tốt ở thị trường nội địa, được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu đến các thị trường khó tính trên thế giới. Cuộc vận động trong thời gian tới không nên chỉ dừng lại ở việc “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mà khẩu hiệu cho Cuộc vận động trong giai đoạn tới, cần ở tầm cao hơn, hướng tới “Hàng Việt Nam không chỉ chinh phục người tiêu dùng trong nước mà cả người tiêu dùng thế giới (Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng)”.
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho biết: Đây là cuộc vận động mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc, nhằm khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước của người Việt Nam, là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát huy năng lực trí tuệ, khả năng sáng tạo, sản xuất ra hàng hóa có chất lượng cao, giá cả hợp lý. Thành công của Cuộc vận động tùy thuộc nhiều yếu tố, trong đó có sự nhận thức, quyết tâm và hành động của 2 chủ thể quan trọng nhất đó là cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Cuộc vận động đã được triển khai 10 năm, từng bước chất lượng đã được nâng cao và thu được những kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2009-2014, Cuộc vận động cơ bản là tập trung tuyên truyển, vận động, xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động. Giai đoạn 2014-2019, sau khi tổng kết 5 năm giai đoạn đầu, giai đoạn 2 đã được nâng cấp làm sao cho hàng hóa trong nước không chỉ chinh phục người tiêu dùng trong nước, cung ứng đủ hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng, mà còn hướng tới xuất khẩu. Tới đây là giai đoạn 3 thực hiện Cuộc vận động, mục tiêu đặt ra chắc chắn sẽ cao hơn, ông Hầu A Lềnh cho rằng, với vai trò đại diện cộng đồng doanh nghiệp, VCCI nên tổ chức các diễn đàn, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, thảo luận và tổng hợp ý kiến doanh nghiệp... để giúp Ban Chỉ đạo Trung ương hoàn thiện Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động có chất lượng, sát thực tiễn, để báo cáo Bộ Chính trị, Ban bí thư xem xét, định hướng trong thời gian tới.