Giá điện không vượt quá 1.747 đồng/kWh
Tại buổi tọa đàm ông Hoàng Văn Tùy, Phó trưởng ban Tài chính kế toán, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, cả ba phương án mà EVN đưa ra vẫn duy trì một nguyên tắc là giá điện không được tính vượt quá 1.747 đồng/kWh.
Cũng theo ông Tùy, Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, giá bán lẻ điện bình quân là 1.622,01 đồng/kWh và thực hiện với 4 nhóm khách hàng: sản xuất, cơ quan hành chính sự nghiệp, nhóm kinh doanh dịch vụ và điện sinh hoạt.
Mỗi nhóm sẽ có một mức giá bình quân, trong nhóm sinh hoạt hiện nay, giá bình quân của 6 bậc thang là 1.747 đồng/kWh và giá bình quân của nhóm điện sinh hoạt đã nằm trong giá bình quân chung 1.622,01 đồngđ/kWh; như vậy, hai mức giá này không có gì mâu thuẫn.
Do đó, với cả ba phương án mà EVN xây dựng, cho dù là phương án bậc thang lũy tiến hay đồng giá, thì vẫn duy trì một nguyên tắc là giá điện không được tính vượt quá 1.747 đồng/kWh.
Ngoài vấn đề về 3 cách tính giá điện, câu hỏi về việc "Bộ Công Thương có đồng ý cho ba tập đoàn đề nghị tăng giá điện để bù lỗ 12.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá hay không?” cũng được nhiều ý kiến quan tâm.
Lý giải về vấn đề này ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, các chi phí phát điện bao gồm chi phí nhiên liệu (chi phí giá dầu, giá khí hoặc giá than), tỷ giá, chi phí truyền tải, phân phối và khâu phụ trợ.
Tỷ giá chỉ là một trong 4 yếu tố này. Khi xem xét tăng giá điện Bộ Công Thương phải xem xét tổng hòa cả 4 yếu tố. Hiện nay, chi phí cơ cấu nguồn phát đang thay đổi theo hướng giảm dần, từ giá dầu, giá than giảm, do vậy thay đổi giá điện vì tỷ giá là không phù hợp.
Ông Tuấn cũng cho rằng, các khoản chi phí đầu tư của các công trình ngoài ngành của EVN như bể bơi, sân tennis… không được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh của đơn vị, do đó, các khoản chi phí này không nằm trong giá điện vừa thay đổi.
Đảm bảo an sinh xã hội
Đánh giá về Dự thảo Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của EVN, GS,TS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nêu quan điểm, dự thảo do EVN đưa ra đã đáp ứng quy trình Luật Điện lực, tuy nhiên từng phương án chi tiết cần phải xem xét.
Theo đó, phương án nhiều bậc thang không gây khó khăn trong việc ghi chỉ số công tơ, việc tính toán cũng không có gì phức tạp. Vì vậy phương án 6 bậc đưa ra cũng có lý nhưng có thể cải tiến ở chỗ rút ngắn số bậc. Hai bậc đầu giá gần nhau nên có thể gộp lại là một, kéo xuống 5 bậc.
Cũng theo ông Long, trong số 21 triệu hộ sử dụng điện hiện nay ở Việt Nam, có tới trên 46% hộ thuộc diện thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Bởi vậy, việc chia giá bán lẻ điện theo bậc thang cần phải tính đến các số đối tượng sử dụng chính này, có như vậy mới không ảnh hưởng đến mức sống, thu nhập của phần lớn các hộ gia đình ở Việt Nam hiện nay.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh EVN đang nắm 95% trong khâu phân phối bán lẻ nên việc Bộ Công Thương giao cho EVN xây dựng đề án là hợp lý. Tuy nhiên, dù đề án giao cho EVN lập và nghiên cứu nhưng Cục Điều tiết điện lực sẽ là cơ quan quyết định phương án biểu giá điện bán lẻ mới. Cục Điều tiết điện lực sẽ đánh giá ưu và nhược điểm từng phương án, sẽ tổng hợp báo cáo cuối cùng xin ý kiến các bộ ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
“Phương án biểu giá điện mới một mặt sẽ bảo đảm giá bán điện cho từng bậc cao hơn giá thành sản xuất, kinh doanh điện, mặt khác khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, đồng thời cũng không tác động nhiều đến người nghèo, người thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội”, ông Tuấn khẳng định.
Theo Bộ Công Thương, EVN phải xây dựng đề án biểu giá điện mới dựa trên sự rà soát lại những điểm bất hợp lý của biểu giá điện cũ, trong đó tập trung vào cải tiến biểu giá điện sinh hoạt phù hợp với phần đông người sử dụng điện hiện nay của Việt Nam là những người thu nhập thấp. |