Đề nghị không loại bỏ Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội - cần sự nhìn nhận khách quan
Câu hỏi đáng chú ý được một luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan đặt ra tại phiên xét xử hôm qua 2/4: Một con người như Trương Mỹ Lan có cần loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội?
Có không ít lý do được luật sư đưa ra trước khi đặt câu hỏi này với mong muốn Hội đồng xét xử xem xét, có một câu trả lời nhân văn.
Chẳng hạn như: “Trương Mỹ Lan là một khách hàng lớn của Ngân hàng SCB. Các khoản vay giải ngân đều có tài sản đảm bảo”, “chưa có báo cáo nào về việc bà Lan không trả lãi cho SCB cũng như chưa có báo cáo nào thể hiện người dân muốn rút gốc và lãi khi đến hạn tại SCB mà không được”, “bà Lan đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Trong đó có 2 vấn đề chính: Chịu trách nhiệm với khoản vay không liên quan và giá trị tài sản đảm bảo của bà Lan bị định giá thấp xuống”.
Và cuối cùng là tấm hình một người lao động. “Ông này cùng nhiều người khác đã nói rất mang ơn bà Lan”, luật sư bào chữa nói và cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan là con người có bản chất tốt đẹp.
Bị cáo Trương Mỹ Lan (Ảnh: Congly) |
Việc các luật sư tham gia bào chữa cho Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác đưa ra các bằng chứng, luận cứ bảo vệ thân chủ là công việc, chức năng xã hội của luật sư. Việc này góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Tuy nhiên, mọi hoạt động đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan… Và sự thật chỉ có một, còn những vấn đề gần giống với sự thật thì rất nhiều.
Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Viện kiểm sát cho biết đã lấy số liệu đảm bảo có lợi nhất cho bị cáo Trương Mỹ Lan. Ví dụ, cùng một mã tài sản đảm bảo cho nhiều khoản vay, Viện kiểm sát chỉ lấy khoản vay nào hồ sơ không đủ chứ không lấy mã chung để tính thiệt hại của bị cáo.
Các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Trương Mỹ Lan cũng được ghi nhận, như: Tích cực tham gia từ thiện, đặc biệt trong giai đoạn phòng chống Covid - 19, được bằng khen của Chủ tịch nước và bằng khen của nhiều cơ quan chức năng khác; bị cáo tự nguyện dùng tài sản khắc phục hậu quả.
Đối với các vấn đề luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan đặt ra ở trên đều đã được Viện kiểm sát căn cứ theo quy định của pháp luật, hồ sơ vụ án đối đáp rất rõ ràng.
Theo đại diện Viện kiểm sát, cách tiếp cận và phương pháp xác định lập luận của luật sư bảo vệ cho bị cáo Trương Mỹ Lan theo mô hình tách bà Lan ra khỏi hệ thống SCB và tiếp cận theo góc chức vụ quyền hạn. Trong khi đó, Viện kiểm sát tiếp cận theo hướng rộng hơn, xem xét toàn bộ cơ cấu bộ máy SCB, sai phạm từ đại hội đồng cổ đông tới các cấp dưới.
Cũng cần phải nhắc lại thêm rằng, trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố với 3 tội danh: Tử hình về tội "Tham ô tài sản", 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ" và từ 19 - 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Tổng hợp hình phạt là tử hình.
Đối với tội “Tham ô tài sản”, người phạm tội sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại tài sản 5 tỷ đồng trở lên.
Trong khi đó, theo cáo buộc, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, lên tới hơn 304.000 tỷ đồng của Ngân hàng SCB. Nói như đại diện Viện kiểm sát: “Đây là lần đầu tiên có một nữ doanh nhân dùng thủ đoạn tinh vi chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, không có từ nào lớn hơn. Tài sản bị cáo đưa vào là phương thức thủ đoạn phạm tội, bất cứ lúc nào cần bị cáo rút ra, nâng khống tài sản đảm bảo”.
Và theo đại diện Viện kiểm sát, hiện Ngân hàng Nhà nước đang gồng mình cho SCB vay khoản tiền khổng lồ để chi trả dân, ổn định tình hình tài chính, không biết khi nào thu hồi đủ!?
Tuy vậy, tới thời điểm này, để trả lời câu hỏi “Có cần loại bỏ Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội?” vẫn phải chờ phán quyết cuối cùng của Hội đồng xét xử. Việc này sẽ được Hội đồng xét xử xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng cũng như kết quả tranh tụng tại phiên tòa.