Vụ án Vạn Thịnh Phát: Chi tiết mức án VKS đề nghị đối với Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo |
Khởi tố mới nhiều bị can trong vụ án tham nhũng lớn Ban Nội chính Trung ương tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực |
Đầu năm 2024, công luận đã đặc biệt quan tâm về các vụ án “khủng” liên quan đến các tội danh kinh tế, tham nhũng sẽ được xét xử trong năm. Đó là 4 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan; vụ án Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và vụ án liên quan Công ty Việt Á.
Đây là những vụ án mà hành vi, mức độ phạm tội thực sự gây nhức nhối cho dư luận Nhân dân. Cùng đó các vụ án này không chỉ đặc trưng bởi tính chất phạm tội đặc biệt nghiêm trọng của các bị can mà các cơ quan bảo vệ pháp luật truy tố, số tiền gây thiệt hại cho Nhà nước và cộng đồng thuộc vào loại lớn nhất từ trước tới nay...
Đây cũng là những vụ án mà các đối tượng phạm tội một cách có tổ chức, có sự ráp nối chặt chẽ với các đối tượng có chức quyền ngay trong các cơ quan nhà nước, hành vi phạm tội kéo dài trong nhiều năm, thủ đoạn đặc biệt tinh vi, trắng trợn và kéo theo số lượng không nhỏ cán bộ thoái hóa biến chất, trong đó có cả những lãnh đạo của một số bộ, ngành.
Công tác xét xử các đại án về tội danh kinh tế, tham nhũng trong năm 2024 đã thể hiện kiên quyết tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Ảnh: Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát |
Với thái độ kiên quyết “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, công tác xét xử đã được bảo đảm đúng kế hoạch được đưa ra, quy trình tố tụng chặt chẽ, đúng pháp luật, tạo hiệu ứng răn đe rất cao, góp phần cảnh tỉnh không nhỏ cũng như tạo sự đồng thuận tin tưởng cao của công luận đối với công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Đặc biệt, việc kiên quyết và tập trung cao cho công tác xét xử 4 vụ đại án này đã khẳng định mạnh mẽ việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ. Góp phần hoàn thiện thể chế để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết; phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Các bản án đã tuyên đúng người đúng tội, vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa bảo đảm tính nhân văn trong xét xử, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội.
Việc xét xử 4 đại án nêu trên cũng còn cho thấy sự cần thiết của việc tiếp tục làm rõ về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự trong thời gian tới.
Lý giải nguyên nhân tỷ lệ tội phạm tham nhũng được phát hiện có xu hướng tăng so với thời gian trước đây, đại diện Bộ Công an khẳng định, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, thời gian qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ được thực hiện một cách có hiệu quả với nhiều kết quả nổi bật, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Đáng chú ý tình hình tội phạm tham nhũng nhìn chung có xu hướng giảm, tỷ lệ gia tăng so với cùng kỳ chỉ thể hiện số trường hợp phát hiện, xử lý trong một mốc thời gian, không thể hiện xu hướng tăng của loại hình tội phạm này.
Ngày 29/10/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 191-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (thay thế Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021) và Quyết định số 192-QĐ/TW kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực, trong đó đã bổ sung cho Ban Chỉ đạo nhiệm vụ phòng, chống lãng phí với trọng tâm của phòng, chống lãng phí là trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Bối cảnh mới của đất nước đang đòi hỏi mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, các đoàn thể cần triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để việc chống lãng phí tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân; trở thành văn hóa ứng xử trong thời đại mới, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh chóng, vươn lên mạnh mẽ.