Thứ sáu 03/01/2025 04:04

Dấu ấn của ngành Công Thương trong bức tranh hội nhập kinh tế

Trong những năm qua, hội nhập quốc tế với điểm nhấn là hội nhập kinh tế đã trở thành một trong những động lực lớn lao để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh quốc gia, phát huy vai trò “Chính phủ kiến tạo phát triển”. Có được thành quả đó phải kể đến những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành Công Thương.  

Động lực phát triển mới

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các công việc thuộc lĩnh vực hội nhập kinh tế, phát huy vai trò trọng tâm của hội nhập kinh tế trong hội nhập toàn diện, qua đó đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tiến trình hội nhập chung của đất nước.

Cuộc họp Hội đồng đầu tiên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) diễn ra tháng 1/2019 tại Tokyo, Nhật Bản với sự tham dự của bộ trưởng kinh tế, thương mại và tương đương đến từ 11 nước thành viên. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (thứ 5 từ phải sang) dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp.

Chia sẻ về những thành quả đã đạt được về hội nhập kinh tế tại Hội nghị trực tuyến về Hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ chủ trì mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững có sự gắn bó chặt chẽ. Chính sự phát triển của đất nước là cơ sở nền tảng cho hội nhập chủ động và hiệu quả; ở chiều ngược lại, việc chủ động tích cực hội nhập giúp tăng cường tiềm lực phát triển của đất nước, đưa vị thế đất nước lên những tầm cao mới.

Trong đó, hội nhập kinh tế là điểm sáng của phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 5 năm qua, tạo thị trường ổn định, tăng cường năng lực sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Đồng thời khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong toàn cầu hoá và trong các diễn đàn. Đặc biệt, trong nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp tư nhân đã khẳng định được chỗ đứng, có sự cải thiện đáng kể của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, và nhiều doanh nghiệp đã tham gia được vào chuỗi giá trị của thế giới.

16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết, đã mở rộng cánh cửa thị trường cho Việt Nam với hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20. Đó chính là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đây cũng chính là một trong các cơ sở để duy trì đà tăng trưởng GDP cao trong những năm qua và thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cuộc cách mạng công nghiệp mới.

Việt Nam cũng đã trở thành một cửa ngõ quan trọng bậc nhất thế giới khi giờ đây đầu tư vào Việt Nam là có thể tiếp cận được với hầu hết các thị trường lớn của thế giới. Cùng với việc khai thác hiệu quả quá trình hội nhập, gắn mở rộng tăng trưởng xuất khẩu với kiểm soát có hiệu quả hoạt động nhập khẩu và dịch chuyển thành công Việt Nam từ một quốc gia liên tục nhập siêu sang xuất siêu trong 3 năm trở lại đây với mức thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục vào năm 2018 (khoảng 7,2 tỷ USD) là mức cao nhất từ trước đến nay.

Theo chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Công ty tư vấn A.T Kearney, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu (đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu). Đó là kết quả của sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu trong nước và mức độ mở cửa nhanh chóng trong lĩnh vực dịch vụ bán lẻ từ kết quả của các FTA đã ký kết thời gian qua.

Đáng chú ý, dưới tác động của hội nhập, Việt Nam đã có những bước đột phá trong lĩnh vực cải cách hành chính, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ Công Thương là 1 trong 2 Bộ đầu tiên kết nối đến Cơ chế một cửa quốc gia với 6 dịch vụ công trực tuyến (VNSW), đồng thời đã kết nối kỹ thuật thành công với Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) với các nước: Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan về trao đổi C/O mẫu D điện tử do Bộ Công Thương cấp phép. Việc này tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử với các nước theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bốn nhiệm vụ trọng tâm

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, dù đã có những bước tiến đáng kể, nhưng so với mục tiêu trở thành các nền kinh tế Top 3, Top 4 trong ASEAN thì hành trình của Việt Nam vẫn còn xa.

Từ góc độ kinh doanh, theo nhận định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp đã điều chỉnh tốt để thích nghi và tiếp tục sinh tồn, nhưng lại thiếu năng lực hiện thực hóa tối đa các lợi ích tiềm tàng của quá trình hội nhập mang lại, để bứt phá, vượt lên.

Hơn thế nữa, tỷ trọng ngày càng thấp của các doanh nghiệp Việt trong kim ngạch xuất khẩu mấy năm qua cũng là một ví dụ cần suy ngẫm. Các doanh nghiệp FDI đã tận dụng tốt hơn các cơ hội kinh doanh so với doanh nghiệp nội; hai khối doanh nghiệp này cũng chưa có được sự liên kết đáng kể nào để cùng thắng và tham gia có hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh thế giới thời gian qua có nhiều biến động khó lường, nổi bật nhất là xu hướng bảo hộ mậu dịch trỗi dậy và việc định hình lại các mối quan hệ kinh tế quốc tế, cùng với đó là việc chuyển mạnh từ quan hệ thương mại mang tính tối huệ quốc (MFN) trong WTO và ưu đãi đơn phương (GSP) sang quan hệ “có đi có lại” thông qua các FTA, Bộ Công Thương đã xác định nhiệm vụ trọng tâm về hội nhập cần triển khai từ nay đến năm 2021.

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, trước hết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng phương án hợp lý để hoàn thiện việc đàm phán và ký kết các FTA còn lại nhằm sớm đưa các hiệp định đi vào thực thi; chủ động nghiên cứu, đánh giá khả năng tham gia các FTA với các đối tác mới nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Đồng thời, tăng cường phổ biến, hướng dẫn thực thi các cam kết trong FTA, nhất là các FTA thế hệ mới để doanh nghiệp và người dân nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội của tiến trình hội nhập.

Được biết, Chính phủ đã yêu cần phấn đấu đến năm 2020, chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm tương đương với trung bình các nước ASEAN 4 và phấn đấu từng bước tiệm cận các tiêu chuẩn OECD.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tích cực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đối phó thành công với cạnh tranh cũng như chủ động vươn ra tận dụng các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hoạt động như: tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, triển khai các sáng kiến về nền kinh tế số nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển quốc gia, tạo cơ hội đổi mới, sáng tạo cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, chủ động trong việc theo dõi, đánh giá tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực, kịp thời nắm bắt và dự báo những diễn biến, xu thế mới; trên cơ sở đó đưa ra những điều chỉnh chính sách cần thiết nhằm hạn chế những tác động tiêu cực và tận dụng những tác động tích cực từ hội nhập đối với kinh tế trong nước.

Nguyễn Hường