Việc chia sẻ thông tin còn chưa được quan tâm
Tại hội nghi, Chủ tịch Ủy ban trung ương (UBTƯ) Mặt trận tổ quốc Việt Nam - ông Trần Thanh Mẫn - cho biết, trong số 12 chương trình mà Mặt trận tổ quốc Việt Nam thực hiện chức năng giám sát, có 2 chương trình liên quan đến doanh nghiệp là cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. “Câu chuyện cắt giảm các thủ tục này chúng tôi theo dõi từ 4 năm nay rồi”, ông Trần Thanh Mẫn nói.
Báo cáo của Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại hội nghị cho thấy, qua 3 đợt giám sát tại 10 tỉnh, thành phố, Ban Thường trực UBTƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam xác định một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục tháo gỡ trong công tác kiểm tra chuyên ngành, cơ chế một cửa quốc gia. “Hiện tại, cơ chế một cửa quốc gia đang nhằm vào mục tiêu giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính phục vụ cho khâu thông quan mà chưa chú trọng nhiều đến việc chia sẻ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước”, báo cáo nhìn nhận.
Từ năm 2015 đến nay, từ 82.698 mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành, đã giảm xuống còn 70.059 mặt hàng được các bộ cắt giảm. Tuy nhiên số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn, chiếm trên 19,1%. Việc cắt giảm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành cần tiếp tục triển khai để giảm tiếp các dòng hàng cần kiểm tra chuyên ngành.
Đề cập đến một số tồn tại còn cản trở tiến trình cải cách kiểm tra chuyên ngành, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Cao Quốc Hưng - nhấn mạnh đến hai điều. Một là, khái niệm “hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành” và hoạt động “kiểm tra chuyên ngành” trong các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa thống nhất dẫn đến việc không tách biệt được đối tượng kiểm tra chuyên ngành và đối tượng quản lý chuyên ngành. Hai là, hiện vẫn chưa xây dựng được phương án xử lý sự trùng lắp về kiểm tra chuyên ngành giữa các Bộ, ngành (bao gồm Bộ NN&PTNT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ KH&CN với Bộ Công Thương).
Đề xuất các giải pháp mà Bộ Công Thương sẽ thực hiện trong thời gian tới, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, các giải pháp trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được Bộ triển khai theo chiều sâu. Theo đó có 3 nhóm đối tượng hàng hóa được đưa ra khỏi danh mục phải kiểm tra chuyên ngành khi làm thủ tục thông quan. Thứ nhất, hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm trung gian, bán thành phẩm được nhập khẩu cho các ngành sản xuất mà đối tượng quản lý là các sản phẩm thành phẩm khi đưa vào sử dụng. Thứ hai, hàng hóa nhập khẩu là các sản phẩm mà không có tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khi thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành hoặc chưa quy định đầy đủ quy trình, hồ sơ theo quy định hiện hành. Thứ ba, hàng hóa nhập khẩu là các sản phẩm mà các biện pháp quản lý khác có thể thay thế việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành khi làm thủ tục thông quan.
Cắt giảm thủ tục với doanh nghiệp là câu chuyện lớn
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đặt vấn đề khá thẳng thắn khi ông nhận định, nhiều doanh nghiệp hôm nay phản ánh những cái rất nhỏ, nhưng là nhỏ với các bộ, ngành thôi, chứ với doanh nghiệp là vấn đề rất lớn. “Nếu tính theo các doanh nghiệp trong nền kinh tế thì vấn đề lại cực kỳ lớn”, Phó Thủ tướng nói
Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết 02/2019 của Chính phủ không quy định phải cắt giảm số lượng cụ thể thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, mà yêu cầu rà soát lại xem có gì không hợp lý thì phải cắt. Nhưng đồng thời cũng rà soát cả những gì đã cắt xem như vậy có hợp lý không. Phó Thủ tướng đặt vấn đề, việc cắt giảm cần phải rà soát lại xem cắt giảm đến đâu, cắt giảm có phù hợp không.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu trong năm 2019 các bộ phải chấm dứt ngay tình trạng chưa ban hành mã HS, quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hoá nhập khẩu nhưng vẫn phải kiểm tra chuyên ngành.
Ông cũng gợi ý trong việc kiểm tra, Nhà nước chỉ nắm những khâu then chốt bắt buộc phải làm, còn lại có thể xã hội hóa để tư nhân làm, đầu tư các trang thiết bị hiện đại, lại mang tính độc lập nên kiểm tra sẽ khách quan hơn. “Tới đây phải giám sát thêm việc này, vì đã có chủ trương từ lâu nhưng các bộ vẫn chưa bỏ được chức năng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, vừa ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn vừa đi kiểm tra, giám sát”, Phó Thủ tướng yêu cầu. Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị UBTƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam giám sát cả hai phía, Nhà nước và doanh nghiệp.