Nếu coi ông như Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Công Thương ngày nay thì chính vị Bộ trưởng này đã mở đầu cho truyền thống lo cho quốc kế dân sinh của ngành Công Thương kể từ ngày lập nước.
Nhìn lại lịch sử gần 7 thập kỷ hình thành và phát triển của ngành Công Thương, không khó để nhận thấy, cho dù gắn với mô hình phát triển thích ứng với khung cảnh thời kháng chiến hay hòa bình, kế hoạch hóa hay kinh tế thị trường, đích hướng của ngành Công Thương đều hiện diện trên những tầng nấc phát triển. Đó là những nguồn năng lượng, nguyên liệu, vật tư lớn bảo đảm cho nền kinh tế vận hành, đến những cân gạo, cây kim, sợi chỉ trong cuộc sống của người dân.
Những cái lo ấy chính là làm gì để bảo đảm cân đối dù lớn dù nhỏ, không phải lúc nào cũng hội đủ cả "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Có cái khó do tính khắc nghiệt khó lường do thời cuộc đem lại; cũng có những cái khó do chính tư duy của chúng ta trong quá trình đi lên. Nhưng cũng từ cái lo ấy, những lãnh đạo của Bộ Công Thương, ngành Công Thương đã bản lĩnh dám làm, dám chịu trách nhiệm tìm ra đột phá để tháo gỡ khó khăn, giải phóng các nguồn lực phục vụ sản xuất.
Câu chuyện lãnh đạo các bộ tiền thân của Bộ Công Thương đề xuất nhập 160 tấn vàng để giải quyết triệt để nạn lạm phát cuối thập niên 80 của thế kỷ trước và cùng với đó mạnh dạn giao quyền xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp là một minh chứng cho điều này. Khi đó, những quyết sách này không phải có được sự đồng thuận ngay cả ở các cấp lãnh đạo Trung ương, càng không dễ để được thực thi. Thế nhưng, chính những thực tiễn cuộc sống đã minh chứng cho tính đúng đắn của các quyết sách đó
Cái lo lắng thời trước đã vậy, nhưng cái lo thời 4.0 không chỉ đòi hỏi tính sáng tạo, bản lĩnh mà cũng cần tư duy mới để vượt qua những thói quen, sức ỳ và cả lợi ích. Vẫn câu chuyện đột phá từ những cái lo, sự trăn trở trong điều hành để giải phóng các nguồn lực cho tăng trưởng cũng là thực tế sinh động trong hoạt động của ngành Công Thương những năm gần đây. Không chỉ tái cấu trúc, tái cơ cấu một cách quyết liệt bộ máy của ngành theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương còn quyết liệt trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các điều kiện đầu tư, kinh doanh để vừa tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước. Trong sự quyết liệt đó, có cả tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với lợi ích nhóm.
Trong lần dự hội nghị triển khai công tác đầu năm 2019 của ngành Công Thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói một ý rất quan trọng, đó là Việt Nam có thể thành con hổ, con rồng hay không phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của ngành Công Thương. Đó cũng là lời chia sẻ với những lo toan và cũng là kỳ vọng vào sự phát triển mới của ngành Công Thương của người đứng đầu Chính phủ. |