Điểm nhấn phát triển CNHT
Đánh giá về ngành CNHT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, năm 2018, số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT là khoảng 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện và trên 1.500 DN sản xuất vật liệu cho ngành dệt may, da giày (chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). “Các DN CNHT tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, tương đương với 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo với doanh thu thuần sản xuất kinh doanh trong năm 2018 ước đạt trên 900.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Công nghiệp hỗ trợ hiện là một trong những lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm, chú trọng phát triển |
Đáng chú ý, một số DN sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. DN CNHT trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo.
Bên cạnh đó, năng lực sản xuất sản phẩm CNHT trong nước dần được cải thiện. Cụ thể, vào thời điểm tháng 11/2018, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm CNHT, bao gồm linh kiện ô tô, phụ tùng điện tử, nguyên vật liệu dệt may da giày đạt 35 tỷ USD, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ. Riêng trong năm 2018, một trong những sự kiện rất được chú ý là việc một DN lớn hàng đầu Việt Nam triển khai dự án sản xuất ô tô với những bước đi rất nhanh nhưng không kém phần bài bản.
Tuy nhiên, nhìn chung, ngành CNHT tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Cụ thể, chất lượng sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô cung ứng trên thị trường còn kém. Đa số DN nội về CNHT chỉ cung ứng sản phẩm cho lắp ráp ô tô trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, đạt bình quân khoảng 7 - 10%. Hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp hiện nay vẫn do các công ty mẹ hoặc từ công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp. Trong khi, để làm một chiếc ô tô phải cần từ 30.000-40.000 linh kiện.
Cần coi CNHT là ngành trọng yếu
Để phát triển CNHT thời gian tới, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cần quá trình kiên trì lâu dài. Nhà nước đóng vai trò là bà đỡ, đặc biệt hỗ trợ cho DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân xã hội.
Các giải pháp tập trung là tiếp tục xây dựng hoàn thiện chính sách, thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, có chính sách ràng buộc và khuyến khích các địa phương trong bố trí ngân sách phát triển CNHT; thúc đẩy phát triển thị trường cho các ngành hạ nguồn, chú trọng ngành ô tô, điện tử, dệt may, da giày, ngành công nghiệp vật liệu, thu hút đầu tư. “Cùng với đó là nâng cao năng lực doanh nghiệp trên cơ sở triển khai hiệu quả chương trình, bố trí vốn đầu tư xây dựng và phát triển 3 trung tâm hỗ trợ; hỗ trợ tín dụng, vốn vay, tháo gỡ vướng mắc thuế, hỗ trợ xử lý môi trường...” - Bộ trưởng lưu ý.
Tại hội nghị vào cuối năm 2018 về phát triển ngành CNHT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: "Chúng ta cần học hỏi ý chí lớn của người Nhật Bản, Hàn Quốc trong phát triển CNHT để đến năm 2030 có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam".
“Thế giới đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ về cách thức sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm sản xuất ra. Không còn tình trạng chỉ một DN sản xuất khép kín ra một sản phẩm, mà một sản phẩm được sản xuất ra do nhiều DN tham gia dựa vào thế mạnh của từng DN để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của quốc gia..." - Thủ tướng nêu thực trạng và cho rằng, cần chú trọng phát triển các DN đầu tàu, DN dẫn dắt cho các DN hỗ trợ.
Nhằm phát triển CNHT Việt Nam trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh hơn việc nâng cao năng lực DN CNHT thông qua triển khai hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ DN, các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về tài chính. Đặc biệt, chú trọng công tác xử lý môi trường để khuyến khích các địa phương hợp tác và tiếp nhận các dự án của DN trên địa bàn các tỉnh, thành phố.