Xác định CCHC phải gắn liền với trách nhiệm Thủ trưởng các đơn vị ở các cấp, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc kiện toàn đầu mối về CCHC của Bộ từ năm 2018. Đồng thời, thường xuyên lồng ghép, phổ biến, quán triệt sâu, rộng về tầm quan trọng và mục tiêu, ý nghĩa của công tác CCHC thông qua các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật… qua đó tạo chuyển biến rõ rệt từ tư tưởng đến hành động của toàn bộ hệ thống lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.
Các đơn vị ngành Công Thương tích cực triển khai công tác cải cách hành chính |
Những năm qua, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) ở Bộ Công Thương được tiến hành theo lộ trình rõ ràng, cụ thể. Trong đó, năm 2016, Bộ đã ban hành Quyết định số 4846/QĐ-BCT về Phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017, đơn giản hóa, bãi bỏ 123 TTHC trong tổng số 443 TTHC thuộc phạm vi Bộ quản lý thời điểm đó. Năm 2017, Bộ đã thực hiện vượt mục tiêu này, khi cắt giảm và đơn giản hóa 183 TTHC. Ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT về Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện ĐTKD trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018, với khoảng 55,5% trên tổng số các điều kiện đã được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa trong 16 ngành nghề. Ngày 27/4/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1408/QĐ-BCT phê duyệt Phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2018, hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa 50 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý.
Cũng trong năm 2018, Bộ đã tiến hành rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và TTHC trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK) để sửa đổi phù hợp với Luật Quản lý ngoại thương; đồng thời, tiến hành đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực này, tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động XNK tại Việt Nam. Tiếp đó, ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện ĐTKD thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương giai đoạn 2019-2020, cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện (tương đương với 36%).
Để triển khai hiệu quả Quyết định nêu trên, trong dự thảo Phương án đơn giản hóa TTHC của Bộ Công Thương, ngày 24/4/2019, Bộ ban hành Quyết định số 1019/QĐ-BCT phê duyệt Phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ năm 2019. Theo đó, sẽ tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm 40 TTHC trên tổng số 444 TTHC hiện có. Đến thời điểm hiện tại, các phương án cắt giảm TTHC tại Quyết định số 1019/QĐ-BCT đã được Bộ Công Thương triển khai thực thi tại các VBQPPL sửa đổi, đảm bảo tiến độ thực hiện.
Với tiến độ đó, vị trí xếp hạng Chỉ số CCHC (Par Index) của Bộ liên tục có những bước tiến vượt bậc: Năm 2016, đứng thứ 12/19 bộ, cơ quan ngang bộ (tăng 6 bậc so với năm 2015); năm 2017, đứng thứ 5/19 bộ, cơ quan ngang bộ (tăng 7 bậc so với năm 2016, tăng 13 bậc so với năm 2015); năm 2018 tiếp tục giữ vị trí thứ 5/18 bộ, cơ quan ngang bộ. Các Chương trình, Kế hoạch công tác nói chung và về CCHC nói riêng của Bộ được hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ; công tác chỉ đạo điều hành, cải cách tổ chức bộ máy; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính luôn nằm trong top đầu các bộ, cơ quan ngang bộ.
Nhận định về những kết quả đạt được, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, là nhờ vào sự chủ động, quyết liệt thực hiện rà soát đánh giá tổng thể các TTHC, để xây dựng, ban hành Phương án đơn giản hóa, cắt giảm TTHC và đảm bảo khả năng thực thi của các TTHC được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa. Trong đó, Bộ luôn lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo chất lượng CCHC.
Theo định hướng công tác CCHC giai đoạn 2021-2030, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chú trọng ban hành các cơ chế, chính sách phục vụ cho việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tạo thuận lợi cho người dân và DN. Trên cơ sở đó, xem xét, đánh giá sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý và hiệu quả của các TTHC, nhằm bãi bỏ các TTHC không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, rào cản cho sự phát triển của DN; kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng đảm bảo tính đồng bộ, tinh gọn, hợp lý…
Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các TTHC của ngành Công Thương theo Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. |