Kinh tế tư nhân - lực đẩy cho ngành thép chuyển mình Thúc đẩy kinh tế tư nhân và cơ hội của cán bộ sau tinh gọn Kinh tế tư nhân Việt Nam có giá trị nhân văn cao cả |
Tư duy đổi mới và 5 định hướng đột phá
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tư duy và chiến lược phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta.
Nghị quyết không chỉ khẳng định vai trò trung tâm của khu vực kinh tế tư nhân mà còn thể hiện một sự thay đổi sâu sắc về nhận thức và hành động đối với lực lượng sản xuất chủ đạo này.
Theo đó, Nghị quyết nêu rõ yêu cầu cấp bách phải đổi mới tư duy, triển khai các giải pháp đột phá để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được xem là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Đây không chỉ là một điều chỉnh về chính sách mà còn nhằm xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam, đánh giá đúng vai trò quan trọng của khu vực này đối với phát triển đất nước...
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: TTXVN |
Nghị quyết đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo then chốt, nhấn mạnh đến vai trò tiên phong của kinh tế tư nhân trong thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cấu trúc nền kinh tế.
Bên cạnh đó, khu vực này còn được đặt trong mối quan hệ song hành và hỗ trợ với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, cùng giữ vai trò nòng cốt trong việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, có khả năng hội nhập quốc tế hiệu quả.
Việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả và có chất lượng cao không chỉ là một nhiệm vụ mang tính chiến lược dài hạn mà còn là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết là cam kết rõ ràng về việc xóa bỏ các rào cản thể chế, tạo dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh công khai, minh bạch và bình đẳng. Nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ thay vì can thiệp hành chính trái với nguyên tắc thị trường.
Chính quyền các cấp được yêu cầu thiết lập mối quan hệ thân thiện, đồng hành và liêm chính với doanh nghiệp, trong khi các quy trình hành chính sẽ được số hóa, minh bạch hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.
8 nhóm nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu
Trên nền tảng tư duy mới, Nghị quyết 68 đề ra những mục tiêu phát triển đầy tham vọng nhưng khả thi cho khu vực kinh tế tư nhân đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, đến năm 2030, kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, đóng vai trò tiên phong trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Về quy mô, mục tiêu đặt ra là có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế, đạt tỷ lệ 20 doanh nghiệp trên 1.000 dân. Trong số đó, ít nhất 20 doanh nghiệp lớn có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước xây dựng thương hiệu Việt trên trường quốc tế.
Về hiệu quả kinh tế, khu vực tư nhân dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10 - 12%/năm, vượt trên tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân. Đóng góp vào GDP khoảng 55 - 58%, chiếm khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, đồng thời giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% lực lượng lao động xã hội. Năng suất lao động của khu vực này cũng được kỳ vọng tăng bình quân 8,5 - 9,5%/năm, giúp nâng cao hiệu quả tổng thể của nền kinh tế.
Về tầm nhìn dài hạn đến năm 2045, Nghị quyết xác định kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ phát triển nhanh, mạnh, bền vững và chủ động hội nhập sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Mục tiêu là có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, đóng góp trên 60% GDP, trở thành lực lượng có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của khu vực này sẽ đứng trong top 3 ASEAN và top 5 châu Á.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp toàn diện. Trước tiên là đổi mới mạnh mẽ tư duy và nâng cao nhận thức thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương, về vai trò chiến lược của kinh tế tư nhân. Đây là yếu tố nền tảng để tạo sự đồng thuận, khơi dậy khát vọng phát triển và niềm tin vào doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Tiếp theo là hoàn thiện thể chế và chính sách, đảm bảo quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và quyền cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân. Pháp luật sẽ được xây dựng và thực thi theo đúng cơ chế thị trường, giảm thiểu tối đa các can thiệp hành chính, loại bỏ cơ chế "xin - cho", xóa bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Đặc biệt, Nghị quyết yêu cầu mạnh mẽ việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hóa, tự động hóa, áp dụng các công nghệ mới vào quản lý nhà nước. Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn lực then chốt như đất đai, vốn và lao động chất lượng cao; đồng thời hỗ trợ khu vực này trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả và chất lượng cao là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển quốc gia nhằm giải phóng mọi tiềm năng, nguồn lực cho phát triển. |