Ngành kinh tế chủ lực
Cùng với sự phát triển và lớn mạnh của ngành Công Thương Việt Nam, ngành Công Thương Bình Dương cũng đã trải qua nhiều thay đổi về mô hình tổ chức tên gọi khác nhau như: Ty Thương nghiệp và Ty Công nghiệp, Sở Thương nghiệp, Sở Thương mại và Du lịch Sông Bé, Sở Công nghiệp. Đến ngày 1/1/1997, tỉnh Sông Bé tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, Sở Thương mại và Du lịch và Sở Công nghiệp Sông bé cũng được tách thành Sở Thương mại và Du lịch, Sở Công nghiệp Bình Dương và Bình Phước.
Ngành Công Thương Bình Dương tập trung mở rộng thị trường, vừa khai thác tốt những thị trường hiện có và những thị trường tiềm năng để nâng cao kim ngạch xuất khẩu thời gian tới |
Đặc biệt, từ tháng 4/2008, Sở Thương mại và Du lịch Bình Dương hợp nhất với Sở Công nghiệp tỉnh Bình Dương thành Sở Công Thương. Dù với tên gọi nào, Ngành Công Thương Bình Dương cũng luôn nỗ lực cùng doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua những khó khăn, thách thức trong từng giai đoạn lịch sử. Qua đó góp phần quan trọng trong quá trình phát triển, là động lực tăng trưởng kinh tế Bình Dương nói riêng và của đất nước nói chung.
Sau hơn 20 năm tái lập và phát triển, ngành Công Thương đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển vượt bậc của bộ mặt đô thị Bình Dương. Theo đó, Ngành Công Thương Bình Dương đã tích cực tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực Công Thương như xúc tiến và kêu gọi đầu tư… Trong đó, Sở Công Thương Bình Dương đi đầu trong nhiều hoạt động như: Chương trình “Trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư”, xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung…
Công nghiệp Bình Dương tiếp tục phát triển và lớn mạnh không ngừng, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 9,6%. Ngành công nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và tạo động lực để phát triển đô thị, dịch vụ; phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ gắn với tái cơ cấu nội bộ ngành, bảo vệ môi trường…
Kim ngạch xuất, nhập khẩu duy trì mức tăng trưởng, bình quân hàng năm kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương tăng 10,7% và nhập khẩu tăng 14,2%. Tổng thặng dư thương mại đạt 12,4 USD. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có chuyển dịch theo chiều hướng tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, hỗ trợ, thay thế hàng nhập khẩu.
Song song với sự phát triển của ngành công nghiệp, ngành thương mại dịch vụ cũng phát triển khá. Hoạt động thương mại nội địa của Bình Dương luôn ổn định, trong đó Sở Công Thương đã quan tâm triển khai tốt các chương trình như bình ổn thị trường, cân đối cung cầu hàng hoá không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, gây sốt giá, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết; chống suy giảm kinh tế để ổn định sản xuất và xuất khẩu…
Có thể thấy, trong những năm qua, Ngành Công Thương đã góp phần tạo những chuyển biến tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương.
Thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng
Theo ông Nguyễn Văn Dành - Giám đốc Sở Công Thương, cùng với cả nước, Bình Dương đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ trên lĩnh vực xuất nhập khẩu. Nhờ có sự chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý từ các công ty nước ngoài, nhiều sản phẩm như: Hàng điện tử, máy tính và linh kiện, sản phẩm da giày, hàng may mặc, sản phẩm gỗ, cơ khí chính xác… của Bình Dương đã tiếp cận được với các thị trường quốc tế.
Hiện Bình Dương đã mở rộng thị trường xuất khẩu tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành trung tâm xuất khẩu lớn của cả nước. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Bình Dương tiếp tục thay đổi theo hướng tăng dần số lượng các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được chú trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo dựng được uy tín và vị thế trong khu vực và quốc tế.
Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu; nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn. Đặc biệt, Bình Dương cũng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ; sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng công nghiệp phụ trợ; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương nhấn mạnh, nhằm triển khai có hiệu quả các giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ lần thứ X về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các chương trình, kế hoạch đột phá của Bình Dương…, Ngành Công Thương sẽ tập trung mở rộng thị trường, vừa khai thác tốt những thị trường hiện có và những thị trường tiềm năng để nâng cao kim ngạch xuất khẩu; thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và khuyến công làm nền tảng thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại.
Đồng thời, Sở Công Thương triển khai và thực hiện đồng bộ các chương trình trọng điểm của ngành về cơ sở hạ tầng thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, các đề án thương mại nội địa, phát triển chợ, thương mại điện tử, công nghiệp hỗ trợ… Phấn đấu đến năm 2020, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp lớn, có trình độ sản xuất ở tầm quốc gia và khu vực, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.