Theo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương), tỷ trọng lao động của lĩnh vực công nghiệp trong tổng số lao động của nền kinh tế đạt tỷ lệ 15,2%. Chất lượng nhân lực đã có nhiều tiến bộ, song chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong khi đó, số lao động làm việc trong các ngành dịch vụ mặc dù có tỷ trọng cao hơn, đạt gần 34%, nhưng so với một số nước trong khu vực vẫn ở mức thấp.
Ông Nguyễn Văn Thảo - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - cho rằng, nguyên nhân chất lượng nguồn nhân lực ngành Công Thương còn khá thấp so với yêu cầu phát triển là do đội ngũ giáo viên, giảng viên còn hạn chế; chương trình, giáo trình đào tạo chưa phù hợp; trang thiết bị phục vụ dạy học, thực hành còn lạc hậu; kết nối nhà trường và doanh nghiệp (DN) hạn chế; đầu tư nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế chưa sâu rộng...
Để đáp ứng nguồn nhân lực trong bối cảnh CMCN 4.0, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học chủ động, nắm bắt, đón đầu xu thế thời đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, ngày 29/5/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1891/QĐ-BCT phê duyệt Đề án: "Kết nối nhà trường và DN trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Công Thương giai đoạn 2017-2025", trong đó chỉ ra các mô hình liên kết và vai trò của các bên trong liên kết giữa nhà trường và DN. Thực tế, các mô hình cụ thể đã mang lại nhiều thành công như các trường đại học: Công nghiệp Hà Nội, Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Công nghiệp Việt - Hung và Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã và đang xây dựng một số dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo do các tổ chức nước ngoài tài trợ...
"Việc triển khai các dự án trên đã nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, tăng năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt Nam; đáp ứng nhu cầu CNH - HĐH, hội nhập khu vực và quốc tế trong kỷ nguyên mới, thông qua các hoạt động hỗ trợ đào tạo và đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp" - ông Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh.