Đảm bảo thông quan hàng hóa, nông sản bằng mọi cách
Ùn tắc dần được kiểm soát
Ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương thông tin, từ đầu tháng 12/2021, do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc đã liên tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại tất cả các cửa khẩu, bao gồm cả cảng biển và các cửa khẩu biên giới đất liền. Tiến độ thông quan hàng hóa, vì vậy, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với việc nhiều nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào chính vụ thu hoạch, đã gây ra tình trạng ùn tắc hàng hóa, phương tiện trên diện rộng tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh. Cao điểm ùn tắc xảy ra vào các ngày 24 và 25/12/2021, khi có tới gần 6.000 phương tiện chờ xuất khẩu trên địa bàn Lạng Sơn và Móng Cái. Bên kia biên giới cũng tồn đọng hàng ngàn xe chờ làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam.
Thời gian qua, Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh biên giới đã cùng vào cuộc để xử lý tình trạng ùn tắc này. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã tổ chức 2 cuộc họp trực tuyến vào các ngày 26/12/2021 và 08/01/2022. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã gửi thư cho các đối tác Trung Quốc và chỉ đạo các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương tổ chức hội đàm với tỉnh Quảng Tây và Bộ Thương mại Trung Quốc để bàn giải pháp tháo gỡ ách tắc tại khu vực cửa khẩu. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã gặp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và gần đây nhất, ngày 13/01/2022, đã trực tiếp điện đàm với Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường để trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, trong đó có việc giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện tại khu vực biên giới.
Ông Phan Văn Chinh: "Nhờ nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên, tình hình tới nay đã có sự cải thiện đáng ghi nhận” |
“Nhờ nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên, tình hình tới nay đã có sự cải thiện đáng ghi nhận” – ông Phan Văn Chinh chia sẻ, đồng thời cho biết, tỉnh Quảng Tây đã tiến hành đánh giá tình hình thực tế công tác phòng chống dịch tại từng cửa khẩu để khôi phục dần hoạt động thông quan tại một số cửa khẩu, trong đó có cụm cửa khẩu quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam tại TP. Móng Cái. Tỉnh Vân Nam cũng chính thức cho phép nhập khẩu trở lại trái cây tươi từ Việt Nam qua cửa khẩu Kim Thành, trong đó có quả thanh long. Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, đến 8 giờ sáng ngày 17/01/2022, toàn tuyến biên giới phía Bắc đã có 12 cửa khẩu, lối mở hoạt động. Tổng lượng xe còn tồn tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh là 2.643 xe, giảm hơn 3.000 xe so với thời điểm cuối tháng 12/2021. Hàng hóa nhập khẩu cũng được giải tỏa đáng kể, đáp ứng nhu cầu vật tư, nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
Thông tin rõ hơn tại cuộc họp, ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, tại cửa khẩu Tà Lùng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện còn tồn 80 xe xuất khẩu, chủ yếu là gỗ ván, tiêu, điều, không có hoa quả; xe nhập khẩu có 260 xe, hàng hóa chủ yếu là than cốc, máy móc thiết bị. Phía Trung Quốc đã thông báo ngày 17 và 18/1 dừng xuất nhập khẩu để kiện toàn công tác phòng chống dịch. Từ ngày 19/1 tiếp tục cho xuất nhập khẩu nhưng đến 21/1 sẽ dừng hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Tà Lùng.
Tại cửa khẩu Trà Lĩnh còn tồn một số xe thanh long; số xe chờ nhập khẩu chủ yếu là than cốc và máy móc nhưng số lượng không nhiều. Hàng tôm cá đông lạnh đã quay đầu về thị trường nội địa. Riêng tại cửa khẩu Sóc Giang chỉ còn tồn 22 xe hạt điều. “Nếu thực hiện xuất nhập khẩu bình thường, khả năng thông quan của các cửa khẩu tại Cao Bằng là khoảng 300 xe/ngày nhưng hiện Trung Quốc đang khống chế chỉ cho xuất khẩu 20 xe và nhập khẩu 20 xe/ngày” – ông Hoàng Xuân Ánh thông tin.
Hiện nay Cao Bằng đã chuẩn bị lực lượng chức năng làm việc 24/24h, đồng thời liên tục trao đổi với phía Trung Quốc ở nhiều cấp. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã gửi thư cho Chủ tịch tỉnh Quảng Tây về vấn đề tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa. Thêm nữa, công tác phòng chống dịch ở khu vực cửa khẩu Cao Bằng được triển khai tương đối tốt. Cao Bằng đãng xây dựng mô hình cửa khẩu xanh, cửa khẩu an toàn, không Covid.
Ông Hoàng Xuân Ánh khẳng định: “Với tình hình như vậy, từ nay đến Tết Nguyên đán có thể giải quyết tốt tình hình xuất nhập khẩu, lượng tồn không còn nhiều và hàng hóa có thể xuất khẩu tốt sau Tết. Riêng với việc điều tiết hàng từ các cửa khẩu khác sang Cao Bằng, hiện địa phương đã triển khai. Nhưng từ nay đến tết Nguyên đán sẽ khó khăn bởi nhiều lực lượng chức năng phía bạn đã chuẩn bị nghỉ Tết”.
Cuộc họp được tổ chức trực tuyến với các bộ ngành, địa phương |
Thông tin từ ông Hồ Tiến Thiệu – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tính đến 20h ngày 17/1, tổng xe nông sản tồn tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn gồm: cửa khẩu Hữu Nghị 673 xe, cửa khẩu Tân Thanh 373 xe, cửa khẩu Chi Ma 77 xe. Đến hôm nay, còn cửa khẩu Hữu Nghị đang thông quan. Cửa khẩu Tân Thanh đã dừng thông quan. Cửa khẩu Chi Ma cũng mới dừng thông quan cách đây 3 ngày khi phía Trung Quốc phát hiện một F0 làm công việc bốc xếp.
Ngày 17/1, Cửa khẩu Hữu Nghị đã thông quan xuất khẩu được 103 xe, đồng thời nhập khẩu hơn 300 xe. Để tháo gỡ khó khăn cho việc thông quan hàng hóa, UBND Lạng Sơn đã có văn bản đề nghị các địa phương vùng nông sản không đưa hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu nữa để đảm bảo thông quan hết chỗ hàng hóa cũ. Tuy nhiên, hàng nông sản vẫn được đưa lên khu vực cửa khẩu. Ngày 17/1 vẫn có hơn 50 xe hoa quả, nông sản được đưa lên Lạng Sơn.
“Phải khẳng định rằng, cực chẳng đã nên chúng tôi mới phải ra thông báo ngừng đưa hàng hoá lên cửa khẩu! Chúng tôi cũng muốn trong ngắn hạn có thể giải phóng được hàng hóa tại thị trường nội địa để bớt áp lực lên cửa khẩu, chứ xe đã lên rồi, bắt họ quay lại là vấn đề khó khăn” – ông Hồ Tiến Thiệu nói.
Hiện nay, tại Lạng Sơn, số hàng đưa lên và quay đầu về nội địa là tương đương nhau. Nếu mỗi ngày xuất khẩu được 100 xe và một số ngày tới cửa khẩu Tân Thanh và Chi Ma mở cửa trở lại thì sẽ giải quyết được lượng hàng tồn. Phía Trung Quốc cũng đã thông báo 29 Tết sẽ nghỉ Tết Nguyên đán (31/1/2022). Do đó, Lạng Sơn thường xuyên đàm phán với đối tác để giải quyết việc thông quan.
Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Tường Văn – Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, Quảng Ninh có 2 cửa khẩu là Móng Cái – Bắc Luân 2 là cửa khẩu chính ngạch; đường mòn lối mở km 3, 4 chủ yếu là xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Thời gian qua, cửa khẩu chính ngạch được kiểm soát dịch khá tốt và không có ngày nào dừng thông quan. Còn km 3, 4 đã dừng thông quan 2 lần do phát hiện trên bao bì hàng hoá có virus.
Từ ngày 11/1 đến nay, các cửa khẩu của Quảng Ninh đã thông quan được 1.076 xe, trung bình 100 xe/ngày qua 2 cửa khẩu. Tuy nhiên vẫn có xe lên cửa khẩu hàng ngày nên còn 1.367 xe đang chờ thông quan. Phía Trung Quốc đã có thông báo sẽ làm xuyên Tết để thông quan hàng hoá nhưng cán bộ tại cửa khẩu khi quay về quê sẽ bị cách ly từ 7-28 ngày nên tốc độ thông quan hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng người làm ở cửa khẩu.
Hiện Quảng Ninh đã thông báo tạm dừng tiếp nhận hoa quả, hàng đông lạnh của các địa phương và triển khai các giải pháp chống dịch nhằm tránh trường hợp hàng hóa bị đối tác trả về. “Địa phương hoàn toàn chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, nhưng nếu đưa hàng lên cửa khẩu nhiều quá sẽ gây khó khăn cho thông quan” – ông Nguyễn Tường Văn khuyến cáo.
Quan trọng là phải hình thành các “vùng xanh”
Dù tình hình ùn tắc hàng hóa đã cơ bản được kiểm soát, song tình hình vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, các cơ quan truyền thông vẫn đưa tin hàng ngày vẫn có khoảng 300 chuyến xe đưa hàng hóa lên các tỉnh biên giới phía Bắc, gây nên áp lực lớn cho việc thông quan.
“Dù các khuyến cáo với các địa phương vùng trồng nông sản tạm dừng đưa hàng lên cửa khẩu liên tục được đưa ra, nhưng thực tế các địa phương cũng không thể nắm được mỗi ngày từ địa phương mình có bao nhiêu chuyến xe, mặt hàng để khuyến cáo. Bởi đây là hợp đồng của các doanh nghiệp, người dân, nhà vườn với nhau. Do đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phải ngồi lại với nhau nắm tình hình các địa phương để có con số rõ ràng nhằm điều hành dễ hơn” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu ý kiến.
Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hàng hóa nông sản tại cửa khẩu phía Bắc |
Ông Hồ Tiến Thiệu cũng đưa ra khuyến cáo, hiện nay, khâu đóng gói bao bì là quan trọng nhất vì nếu đối tác phát hiện có virus trên bao bì sẽ lập tức ngừng thông quan. Do đó, các địa phương cần yêu cầu chủ các vựa trái cây, lái xe chú trọng công tác khử khuẩn, nếu không sẽ rất khó khăn cho việc thông quan.
“Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cần hướng dẫn các địa phương hình thành các “vùng xanh”, an toàn cho thông quan. Đây là yếu tố quan trọng để tạo dựng lòng tin cho phía bạn. Tuy nhiên, cũng phải đàm phán với phía bạn để bạn công nhận “vùng xanh” và tạo điều kiện để thông quan an toàn” – ông Hồ Tiến Thiệu đề nghị. Đồng thời, theo ông Thiệu - cần đẩy mạnh tuyên truyền để các địa phương khu vực cửa khẩu hạn chế đưa hàng hóa nông sản lên cửa khẩu giai đoạn này nhằm tránh áp lực cho các tỉnh biên giới. Về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ từ khâu sản xuất, chế biến, vận chuyển đến tiêu thụ sao cho khoa học để giải quyết triệt để tình trạng này.
Đồng ý kiến, ông Nguyễn Tường Văn cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo các địa phương xây dựng vùng xanh an toàn. Các địa phương mong muốn Bộ Y tế sớm có hướng dẫn phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ để xây dựng được các vùng xanh, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan.
6 nhiệm vụ trọng tâm cho Ban chỉ đạo
Nhanh chóng góp phần tháo gỡ khó khăn, ngày 17/1, Bộ Công Thương đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo. Lãnh đạo các Bộ Y tế, Tài chính, Ngoại giao và Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai là thành viên Ban chỉ đạo.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc |
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc: Áp dụng các biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để giải quyết tình trạng ách tắc hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc; Thường xuyên cập nhật tình hình và cung cấp thông tin cho các địa phương liên quan về tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc; Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc điều tiết vận chuyển hàng hóa lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Cùng ngày 17/1/2022, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 55/QĐ-BCT thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Tổ giúp việc có nhiệm vụ tham mưu giúp Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Tại cuộc họp ngày 18/1, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhiều lần khẳng định: “Phải nỗ lực hết sức. Bằng mọi cách phải đảm bảo thông quan hàng hóa nông sản nhằm 3 mục đích: Thực hiện các thoả thuận cấp cao giữa 2 nước; đáp ứng quyền lợi ích 2 bên; tránh bức xúc trong nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn Tết cận kề. Người nông dân đã mất cả năm vất vả chống dịch, nuôi trồng nông sản. Nếu không tiêu thụ được sẽ rất khó khăn”.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ các nhiệm vụ trong thời gian tới của Ban chỉ đạo |
Đảm bảo mục tiêu đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, thời gian tới, Ban chỉ đạo cần tập trung làm tốt các vấn đề sau.
Thứ nhất, tiếp tục kiên trì giao thiệp với Trung Quốc. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước là: Thuận lợi hóa thương mại giữa hai nước trong mọi hoàn cảnh. Tiếp tục khắc phục khó khăn, nỗ lực thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, cơ bản đảm bảo an toàn phòng dịch, tránh thiệt hại cho các bên. Về lâu dài, cần sản xuất kinh doanh theo đúng nguyên tắc của kinh tế thị trường. Tinh thần chung là phải rõ về quan điểm, nhất quán trong hành động, nỗ lực hết mình. Làm hết việc chứ không hết giờ.
Thứ hai, các địa phương có cửa khẩu cần phối hợp với các bộ ngành liên quan khẩn trương thiết lập vùng an toàn dịch bệnh để tập kết hàng hoá, xử lý kỹ thuật, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho hàng hoá và người vận chuyển hàng hoá. Đồng thời tổ chức tốt việc phân luồng giao thông, tránh ách tắc; đảm bảo chỗ ăn nghỉ cho lái xe, chủ hàng và các dịch vụ cần thiết cho lưu trú, bảo quản tạm thời hàng hoá; tổ chức lực lượng phối hợp với phía bạn và chủ hàng để giao nhận, thanh toán.
Thứ ba, chỉ đạo các lực lượng chức năng (hải quan, biên phòng, giao thông, công an) tăng cường các biện pháp nhằm thuận lợi hoá cho việc vận chuyển, lưu thông và thông quan qua cửa khẩu. Đặc biệt, lực lượng hải quan cần tăng ca, kíp… tạo thuận lợi cho thông quan.
Thứ tư, chỉ đạo, khuyến cáo các chủ hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ quy tắc, áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh trên người, phương tiện vận tải, đặc biệt là trên bao bì sản phẩm. Cung cấp đủ truy xuất nguồn gốc; bảo đảm chất lượng hàng hoá như cam kết, tuân thủ quy định về bao bì đóng gói, bảo quản, giao nhận.
Thứ năm, thường xuyên giữ mối liên hệ và khuyến cáo với các chính quyền, cơ quan chức năng địa phương có hàng nông thủy sản xuất khẩu trong việc hợp tác chặt chẽ với Ban chỉ đạo để việc đưa hàng lên biên giới, tổ chức thông quan qua cửa khẩu thuận lợi. Về lâu dài, chỉ đạo sản xuất có quy hoạch, kế hoạch, tổ chức sản xuất theo tín hiệu thị trường…
Thứ sáu, các thành viên Ban chỉ đạo cần chỉ đạo các đơn vị chức năng của bộ, ngành, địa phương mình nghiêm túc thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ mà Ban chỉ đạo nêu ra, báo cáo định kỳ. Bộ Công Thương giao Cục Xuất nhập khẩu, Vụ thị trường châu Á - châu Phi là cơ quan thường trực.
Bên cạnh các giải pháp đã đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nêu rõ, hiện có 2 nhiệm vụ cần phải giải quyết. Đó là thành lập các vùng xanh an toàn để tập kết hàng hóa, xử lý kỹ thuật để hàng hóa đưa sang Trung Quốc phải đảm bảo "sạch Covid-19". Đây là trách nhiệm của ngành Y tế. Do đó, Ban chỉ đạo đề nghị ngành Y tế có hướng dẫn sớm, cụ thể bởi hướng dẫn năm 2020 đã không còn phù hợp. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng cần hướng dẫn việc cho phép các chủ hàng, thương nhân Trung Quốc được sang Việt Nam, ở vùng an toàn để tiếp nhận hàng hóa, giải quyết các vấn đề thông quan được thuận lợi.