Thứ ba 19/11/2024 04:21

Đại diện TikTok Việt Nam: Cá nhân, tổ chức bán hàng trên nền tảng có nghĩa vụ tự kê khai thuế

Theo đại diện TikTok, khai báo và thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thuế khi tham gia nền tảng là yêu cầu bắt buộc và đang được nền tảng siết chặt.

Livestream bán hàng sẽ nộp thuế ra sao?

Theo thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, trong quý II/2024, tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam, bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đạt khoảng 85.000 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước.

Sự tăng trưởng này vượt xa so với dự báo doanh thu thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024. Trong đó, xếp thứ hai là nền tảng TikTok Shop với 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Điều này cho thấy, dù mới ra mắt tại thị trường Việt Nam không lâu nhưng TikTok Shop đã vượt qua nhiều ông lớn thương mại điện tử.

“Ăn theo” sự thành công của TikTok Shop là những chủ kênh “nổi đình nổi đám” khiến cộng đồng TikTok vô cùng ngưỡng mộ bởi những phiên LIVE đạt doanh thu hàng chục đến cả trăm tỷ chỉ trong vài ngày. Và không thể phủ nhận, nhờ sức hút và sự phát triển của nền tảng, nhiều nhà sáng tạo nội dung đã có thêm thu nhập không nhỏ.

Song thực tế, trước sức hút của nền tảng, nhiều ý kiến cho rằng, việc đóng thuế của các chủ kênh có thực hiện nghiêm túc và có hay không việc trốn thuế, lách thuế?

Chia sẻ về vấn đề đóng thuế khi kinh doanh trên nền tảng TikTok Shop, trong chương trình "Nghề Chủ Chốt", chủ nhân kênh TikTok Quyền Leo Daily, anh Lã Quốc Quyền cho biết, khi tham gia bán hàng trên nền tảng, vợ chồng mình cũng rất lo lắng và băn khoăn về vấn đề thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Bởi với những phiên LIVE lên đến cả trăm tỷ như nhà mình đã từng đạt được khiến nhiều người hoài nghi về vấn đề đóng thuế. Và, theo đó, vợ chồng mình đã phải tìm hiểu rất kỹ các quy tắc, quy định từ nền tảng đưa ra cũng như tham vấn từ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thuế.

Quyền Leo Daily liên hệ Hội Tư vấn Thuế Việt Nam để được giải đáp thắc mắc liên quan về thuế

“Hiện thu nhập chủ yếu từ công việc livestream bán hàng trên TikTok là tiền hoa hồng. Nhà Quyền là hộ kinh doanh nên sẽ thực hiện đóng thuế 7% tiền về. Ví dụ thu nhập 1 tỷ đồng thì đóng 70 triệu đồng và đã được nhà Quyền đóng đều đặn khi phát sinh doanh thu”, Quyền Leo Daily lên tiếng về việc đóng thuế, đồng thời khẳng định: “Việc đóng thuế không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm, và kênh Quyền Leo Daily luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nền tảng để làm ăn chân chính”.

Chia sẻ với Báo Công Thương về quy trình nộp thuế của các hộ kinh doanh livestream, cũng như những thắc mắc của cộng đồng mạng về việc livestream bán hàng sẽ nộp thuế ra sao, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho hay, có thể nhận thấy, thông qua việc livestream bán hàng trên TikTok Shop đã giúp nhiều người thành công và có công ăn việc làm ổn định.

“Cũng cần nhìn nhận, nếu kinh doanh theo phương thức truyền thống, một doanh nghiệp để bán đạt hàng trăm triệu, vài tỷ đồng không phải là điều dễ nhưng qua hình thức livestream bán hàng với những phiên LIVE có thể đạt được cả chục, trăm tỷ đồng. Đây là điều đáng khích lệ, bởi sẽ giúp thúc đẩy kinh doanh của toàn bộ xã hội. Người tiêu dùng cũng tiện lợi hơn trong việc mua bán” – bà Cúc cho hay.

Cũng theo bà Cúc, khi xác định làm công việc livestream bán hàng, trước hết mỗi người cần ý thức, mình là công dân Việt Nam thì phải thực hiện các nghĩa vụ với chính sách nhà nước, trong đó có nghĩa vụ nộp thuế. Và chúng ta phải có trách nhiệm tìm hiểu khi mình bán hàng, sẽ nộp thuế như thế nào.

“Với tổng doanh thu chung của mỗi phiên LIVE sẽ được tính là tiền doanh thu của nhãn hàng. Và như vậy, người livestream chỉ nhận trên khoản hoa hồng được hưởng chứ không phải toàn bộ số tiền doanh thu”, bà Cúc nói đồng thời cho biết: “Nếu đăng ký hộ cá nhân kinh doanh, thì cách tính thuế sẽ lấy 7% thuế thu nhập cá nhân nhân số tiền hoa hồng được nhận. Trong đó, bao gồm 2% thuế thu nhập cá nhân và 5% thuế giá trị gia tăng” - bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA)

Nguyên tắc là người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu mà mình khai thuế. Với những cá nhân muốn livestream bán hàng, nếu thấy chưa hiểu rõ các thủ tục khai thuế có thể đến hệ thống đại lý thuế. Trên toàn quốc hiện nay có khoảng 800 đại lý thuế sẽ hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế.

TikTok Shop cam kết gắn bó lâu dài tại thị trường Việt Nam

Quy định hiện nay, người bán hàng online sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng một năm. Cá nhân có thu nhập từ tiền hoa hồng do livetream bán hàng phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc, thuế suất 5-35%. Trường hợp hoa hồng được trả cho hộ kinh doanh, họ sẽ phải khai nộp thuế theo mức 7%, gồm 5% thuế VAT và 2% thu nhập cá nhân.

Chia sẻ về vấn đề đóng thuế của các nhà bán hàng trên nền tảng hiện nay, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho biết: “Thực ra, có một định kiến của người Việt về các phiên mega LIVE khi creator kiếm được hàng trăm tỷ qua một phiên livestream. Câu chuyện này là chưa đầy đủ. Bởi thực chất, để tổ chức một phiên Mega LIVE có sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp, hàng trăm người và rất nhiều hợp đồng được ký kết. Người đứng livestream giống như một người đại diện bán hàng chia sẻ tới hàng trăm, nghìn người nghe và đó là sự khác biệt”.

Ông Thanh khẳng định, mỗi giao dịch trong phiên livestream đều được quy định rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ với người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước như cơ quan thuế, cơ quan đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu… Ví dụ, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo, đơn vị vận chuyển, nhãn hàng tham gia phiên livestream đều có trách nhiệm nộp thuế tương ứng với khoản tiền nhận được.

“Tôi có thể khẳng định, với các phiên Mega LIVE, quyền lợi của người tiêu dùng cũng như trách nhiệm về thuế của các bên liên quan minh bạch hơn hẳn so với bán hàng qua thương mại truyền thống”, đại diện TikTok Việt Nam nhấn mạnh.

Thông qua việc livestream bán hàng trên TikTok Shop đã giúp nhiều người thành công và có công ăn việc làm ổn định

Về nghĩa vụ kê khai thuế, ông Lâm Thanh cho hay các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok bán hàng qua livestream nhận được hoa hồng được khuyến khích đăng ký loại hình kinh doanh phù hợp để thuận tiện khi xác định loại các thuế phải nộp, như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh, các cá nhân, tổ chức bán hàng trên TikTok Shop có nghĩa vụ tự kê khai thuế. TikTok và các bên liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin và giấy tờ để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình. "Các giao dịch trên những sàn thương mại điện tử có đăng ký với Bộ Công Thương đều phải có hợp đồng giữa người bán, người mua, phía vận chuyển, đơn vị quảng cáo, nhà sáng tạo nội dung", ông Thanh nói.

Về lo ngại về đơn ảo trong các phiên livestream bán hàng, ông Thanh cho biết hóa đơn sẽ được xuất sau khi giao dịch thực hiện thành công. Đối với hoạt động tiếp thị liên kết, người bán có trách nhiệm thay mặt nhà sáng tạo kê khai và tạm nộp thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan thuế trừ trường hợp hoa hồng được trả cho hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp.

"TikTok Shop cam kết gắn bó lâu dài tại thị trường Việt Nam và luôn tôn trọng pháp luật nước sở tại. Cá nhân hoặc tổ chức doanh nghiệp khi tham gia giao dịch trên nền tảng TikTok Shop đều được yêu cầu cung cấp các thông tin của cá nhân hoặc tổ chức doanh nghiệp khi tham gia giao dịch. Ngoài ra, TikTok Shop cũng cung cấp tính năng nhằm hỗ trợ các nhà bán hàng thuận tiện hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ tạm nộp thuế thu nhập cá nhân của nhà sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết (affiliate creator) trong hoạt động hợp tác giữa các bên trên nền tảng TikTok Shop", ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam.

Phương Cúc
Bài viết cùng chủ đề: Tổng cục Thuế

Tin cùng chuyên mục

Online Friday 2024: Kích hoạt hàng loạt khuyến mãi hấp dẫn, lan tỏa giá trị hàng Việt trên nền tảng số

Tổng cục Hải quan chỉ đạo quản lý hàng nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử

Bộ Công Thương ra 'tối hậu thư' với sàn thương mại điện tử Temu, Shein

Online Friday 2024: Khuấy động thị trường thương mại điện tử cuối năm

Doanh nghiệp Việt mang xu hướng tiêu dùng xanh lên sàn thương mại điện tử

Ngành thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng trưởng 18%

Thương mại điện tử thúc đẩy dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ doanh nghiệp

Thu gần 95 nghìn tỷ đồng tiền thuế, xem xét việc dùng AI kiểm soát doanh thu sàn thương mại điện tử

Xuất hiện tình trạng lừa đảo, mạo danh sàn thương mại điện tử Amazon

Thương mại điện tử không chỉ phát triển mạnh ở thành phố lớn mà đã vươn tới vùng sâu, vùng xa

Nền tảng hợp cộng thương mại truyền thống và thương mại điện tử: Giải pháp HKDO cho hộ kinh doanh Việt Nam

Ngày 21/11 diễn ra sự kiện ‘Thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công Thương 2024’

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt ShopeePay 25 triệu đồng

Sơn La hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử

Sẽ chặn sàn Temu bằng biện pháp kỹ thuật nếu không tuân thủ qui định của pháp luật Việt Nam

Bộ Công Thương: Tuyệt đối không giao dịch với các sàn thương mại điện tử chưa đăng ký

Nông sản Gia Lai bùng nổ, sau 2 ngày livestream thu về 12,7 nghìn đơn hàng

Thấy gì đằng sau mức giá 'rẻ bất ngờ' của sàn thương mại điện tử Temu?

Bị nghi ngờ chất lượng sản phẩm, Temu khó chiếm lĩnh thị trường dù hạ giá ‘sập sàn’

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Kiểm soát chặt nguồn gốc và chất lượng hàng hoá trên sàn thương mại điện tử Temu