Thứ sáu 22/11/2024 00:06

Đà Nẵng: Nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm

Trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện có 15/74 chợ đảm bảo các tiêu chí và được công nhận là chợ an toàn thực phẩm. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sạch của người dân và cạnh tranh được với các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì việc nhân rộng các chợ an toàn thực phẩm là việc làm cần thực hiện ngay.

Chợ an toàn thực phẩm - tăng niềm tin của người tiêu dùng

Theo Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố có 74 chợ các loại. Trong đó có 5 chợ loại I gồm chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường (do Sở Công Thương quản lý trực tiếp) và chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang (do Sở Nông nghiệp & PTNT quản lý); 67 chợ do các quận huyện quản lý; 2 chợ do đơn vị tư nhân đầu tư quản lý.

Khu vực bán thực phẩm Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) được bố trí rộng rãi, quầy kệ khang trang và chắc chắn, đảm bảo an toàn thực phẩm

Đến hết năm 2021, có 15 chợ được công nhận là chợ đạt an toàn thực phẩm (ATTP), 6 chợ đăng ký mới xây dựng mô hình chợ đủ điều kiện ATTP.

Tại chợ Non Nước do quận Ngũ Hành Sơn quản lý, khu vực bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống được bố trí rộng rãi, các quầy hàng của tiểu thương được xây dựng kiên cố, khoảng cách giữa các quầy hàng đảm bảo đủ rộng. Các tiểu thương kinh doanh thực phẩm đều có giấy xác nhận kiến thức ATTP, có cam kết bán hàng đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, có sổ theo dõi nguồn gốc các thực phẩm kinh doanh tại chợ.

Tại chợ Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ), ông Nguyễn Hữu Chước – Đội trưởng quản lý chợ cho biết chợ có một bộ phận chuyên trách về ATTP, thường xuyên kiểm tra và test nhanh thực phẩm, nắm bắt nguồn gốc đầu vào của thực phẩm. “Tất cả các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ đều được ghi chép và có hồ sơ kinh doanh thực phẩm”, ông Chước thông tin.

Tương tự tại chợ Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) các tiểu thương kinh doanh thực phẩm đều trang bị đầy đủ tạp dề, găng tay đứng bán hàng. Các mặt hàng được niêm yết giá rõ ràng theo từng ngày. Trong giai đoạn thí điểm chợ an toàn thực phẩm, ban quản lý các chợ quận Sơn Trà đã sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục vì vậy cơ sở hạ tầng tại chợ khang trang hơn.

“Chúng tôi được yêu cầu phải nhập hàng hóa có nguồn gốc, hóa đơn rõ ràng; đối với hàng không bao gói sẵn thì thực hiện kê khai nguồn gốc hàng hóa. Ngoài ra, các tiểu thương đều trang bị thùng rác tại các điểm kinh doanh thực phẩm, bảo đảm mỗi tiểu thương một thùng rác (riêng dịch vụ ăn uống và thủy hải sản dùng thùng rác có nắp đậy)… Vì vậy, quầy hàng thực phẩm chế biến tại chợ rất được người dân tiêu dùng tin tưởng và ăn uống”, Tiểu thương Phạm Thị Hạnh (hàng bún, mỳ chợ Nại Hiên Đông) chia sẻ.

Đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm sẽ giúp các chợ truyền thống tại Đà Nẵng "níu chân" người tiêu dùng

Ông Phạm Mạnh Hân – Phó Trưởng BQL các chợ quận Sơn Trà cho biết quận đã hoàn thiện hồ sơ cho tiểu thương tất cả các ngành hàng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, giấy xác nhận kiến thức ATTP, kê khai nguồn gốc hàng hóa. BQL cũng thực hiện kiểm tra thường xuyên việc bảo quản hàng hóa thực phẩm sau mỗi buổi chợ đồng thời phối hợp với ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm định kỳ.

Nhân rộng chợ an toàn thực phẩm, giám sát các chợ đã được công nhận là chợ ATTP

Trong bối cảnh trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngày càng xuất hiện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, tính cạnh tranh khách hàng của chợ truyền thống với các kênh bán hàng hiện đại này ngày một rõ nét.

Để “níu chân” khách hàng việc hướng tới xây dựng chợ ATTP, chợ văn minh thương mại là điều tất yếu và cần phải làm ngay.

Trong thời gian qua, công tác đảm bảo ATTP cũng như tăng uy tín của các mặt hàng tại chợ truyền thống đã được Sở Công Thương Đà Nẵng chú trọng thông qua các chương trình như triển khai thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm và nhân rộng chương trình ra các chợ.

Ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết trong năm 2022, Sở sẽ hỗ trợ các quận, huyện mở rộng việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho các chợ. Mở rộng triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm, hàng hóa đặc thù được sản xuất trên địa bàn thành phố như nông lâm thủy sản, thực phẩm, rau củ,... Qua đó, làm quen với việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem QR code và dần từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc đồng bộ từ khâu nuôi trồng, chế biến nguyên liệu đến đóng gói, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, phân phối sản phẩm, tiêu thụ bằng mã hóa điện tử.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương Đà Nẵng cũng đang đẩy nhanh việc nâng cấp hạ tầng các chợ, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí của chợ ATTP theo quy định.

TP. Đà Nẵng sẽ nhân rộng việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho các chợ trên địa bàn để tăng độ tin cậy cho người tiêu dùng về thực phẩm

Ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng Ban quản lý ATTP TP. Đà Nẵng cho biết đối với các chợ đã được công nhận là chợ ATTP, ban quản lý ATTP thành phố sẽ giám sát chặt chẽ việc duy trì các tiêu chí an toàn thực phẩm.

Để nhân rộng các chợ ATTP, ban quản lý ATTP thành phố sẽ theo sát và đôn dốc việc xây dựng các chợ đảm bảo điều kiện ATTP trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng các chợ ATTP vẫn còn nhiều khó khăn như chợ xuống cấp, kinh phí sửa chữa, nâng cấp các chợ hạn chế...

Chợ Hòa Mỹ là một trong những chợ đang phấn đấu thực hiện các tiêu chí trở thành chợ an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn như vẫn còn tiểu thương xả rác trên lối đi, đôi khi còn sử dụng dụng cụ, trang thiết bị chế biết không hợp vệ sinh, dịch Covid – 19 cũng ảnh hưởng nhiều đến tiến độ xây dựng và thực hiện các tiêu chí về ATTP.

Đến hết năm 2021, TP. Đà Nẵng có 15 chợ được công nhận là chợ đạt an toàn thực phẩm gồm chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Hòa Cường, chợ Phước Mỹ, chợ Non Nước, chợ Phú Lộc, chợ Cẩm Lệ, chợ Miếu Bông, chợ Hòa An, chợ Quán Hộ, chợ Tam Thuận, chợ Mới, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ An Hải Bắc và có 6 chợ đăng ký mới xây dựng mô hình chợ đủ điều kiện ATTP, gồm: chợ Hòa Mỹ (quận Liên Chiểu), chợ Hòa Xuân, chợ Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ), chợ Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang), chợ Tân An (quận Thanh Khê).
Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: An toàn thực phẩm

Tin cùng chuyên mục

Đoàn kiểm tra Bộ Công Thương làm việc tại Hà Tĩnh về an toàn thực phẩm

Kết nối tiêu thụ, hướng đến tiêu dùng xanh - sản phẩm an toàn

Hà Nội: Khai mạc Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố năm 2024

Hà Nội: Quảng bá và giới thiệu mô hình chợ an toàn thực phẩm tại quận Long Biên

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài yêu cầu nâng cao hơn nữa công tác quản lý an toàn thực phẩm

Làm cách nào để đảm bảo an toàn với thực phẩm hỗ trợ vùng bão lũ?

Hà Nội: Từ ngày 13 đến 17/9, diễn ra Lễ hội An toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2024

Hà Nội: Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa Trung thu

Đắk Lắk nâng cao công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Miền Trung tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu

84,6% người tiêu dùng Việt ưu tiên sản phẩm thủy hải sản có nguồn gốc rõ ràng

Bộ Công Thương đề nghị cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Tuyên Quang: Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2024

Sở Công Thương Bình Dương: Tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịp Tết Trung thu

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu

Bình Thuận: Gần 100 người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm trong 7 tháng

Bà Rịa - Vũng Tàu: Kịp thời hướng dẫn quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Bánh trung thu ‘handmade’: Lo ngại từ những nguyên liệu ‘rởm’

Thị trường bánh trung thu handmade: Nở rộ nhưng có an toàn?

Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn tiêu hủy lượng lớn chân gà không rõ nguồn gốc