Những cột mốc quan trọng
Nhìn lại xuất phát điểm, dưới thời chính quyền Sài Gòn, kinh tế miền Nam Việt Nam vừa kém phát triển, vừa mất cân đối. Các cơ sở công nghiệp nhìn chung đều có quy mô nhỏ bé và hầu hết tập trung tại các đô thị lớn. Cộng thêm hàng loạt khó khăn của những ngày đầu mới giải phóng đất nước, mặc dù bản thân các nhà máy, xí nghiệp được bảo toàn khá nguyên vẹn khi chính quyền cách mạng tiếp quản, song ngành công nghiệp vẫn gần như phải gây dựng lại từ đầu. Giai đoạn 1975 - 1980, ngành công nghiệp phía Nam phải tập trung dồn sức cho nhiệm vụ phục hồi sản xuất, ưu tiên phân bổ chỉ tiêu vật tư, kế hoạch tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nhân lực...
Hạ tầng công nghiệp phát triển nhanh |
Tỷ trọng của công nghiệp trên địa bàn các tỉnh phía Nam trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đã tăng dần, từ khoảng 25% năm 1980 lên 33 -35% thời kỳ 1989 - 1990. Thời kỳ này được đánh dấu bằng sự ra đời và phát triển của một số ngành công nghiệp mới như dầu khí, điện tử, thiết bị kỹ thuật điện, sản xuất vật liệu xây dựng...
Trong suốt thập kỷ 90, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp được đầu tư xây dựng, các khu công nghiệp (KCN) mới ra đời ở nhiều tỉnh, thành phố đã tạo nên diện mạo mới cho công nghiệp trên địa bàn các tỉnh phía Nam. Do điều kiện tự nhiên - xã hội có nhiều thuận lợi và cơ chế, chính sách cởi mở, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào công nghiệp ở các tỉnh phía Nam trong những năm đó tăng mạnh. Đây cũng chính là thời kỳ hình thành khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam mà hạt nhân là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước).
Vươn tầm phát triển mới
Tính đến nay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tiếp tục khẳng định được vai trò đầu tàu kinh tế, chiếm 45,4% GDP của cả nước, GRDP vùng tăng trung bình 6,81%/ năm. Đặc biệt trong những năm gần đây, GRDP của các tỉnh, thành phố thuộc vùng đều tăng ở mức cao. Cơ cấu kinh tế của vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có lợi thế so sánh, tạo ra tỷ lệ giá trị gia tăng cao.
Phát triển cảng biển container Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế |
Toàn vùng cũng nâng cao khả năng kết nối hạ tầng vùng, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác và phát triển với Đồng bằng sông Cửu Long qua các hành lang N1, N2, cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 50; với Tây Nguyên qua cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Đà Lạt; với Nam Trung bộ qua cao tốc Bắc - Nam và quốc lộ 55. Phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Thúc đẩy phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Tập trung phát triển cảng biển container Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP. Hồ Chí Minh - nhìn nhận: Các DN phía Nam luôn đi đầu trong lĩnh vực đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường, phát triển sản phẩm mới, xây dựng phong cách kinh doanh hiện đại, triển khai các hoạt động khuyến công, phát triển KCN (bao gồm cả khu, cụm công nghiệp nhỏ…). Trong tiến trình hội nhập, các DN phía Nam cũng chứng tỏ được vai trò tiên phong của mình. Với đà phát triển như vậy, có thể dự đoán rằng, trong nhiều năm tới, công nghiệp trên địa bàn các tỉnh phía Nam sẽ vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong toàn ngành công nghiệp của cả nước.
Tiếp tục khai thác mức cao nhất mọi tiềm năng và thế mạnh, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư - cả đầu tư mới và đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển hài hòa trong sự thân thiện với môi trường, tăng cường sự phối hợp liên vùng... cũng là mục tiêu quan trọng của nhiều tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện nhằm giữ vững vai trò đầu tàu phát triển kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng của toàn vùng.
Tiến sĩ TRẦN HOÀNG NGÂN - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh: Bước sang thế kỷ 21, phát triển công nghiệp trở thành phong trào rộng khắp. Hơn một nửa trong số 34 tỉnh, thành phố phía Nam đã xác định vị trí số 1 của công nghiệp trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Nhờ đó, công nghiệp khu vực phía Nam tiếp tục phát triển mạnh và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. |