Việc thiếu TCKT trong nước và vấp phải nhiều TCKT của quốc gia NK không chỉ làm nông, thủy sản (NTS) khó tiêu thụ nội địa mà ở thị trường xuất khẩu (XK) cũng gặp khó. Điển hình như quy định về chất cấm, dư lượng kháng sinh trong cá tra, tôm, chè, gạo, trái cây XK… bị Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và các cơ quan kiểm định châu Âu cảnh báo. Hay mới đây, hải sản khai thác bị Ủy ban châu Âu rút "thẻ vàng" cảnh báo vì vi phạm các nguyên tắc IUU. Ngay cả thị trường Trung Quốc – vốn được đánh giá là dễ tính - cũng đang nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nông sản NK và tăng cường quản lý thương mại biên giới.
Việc đáp ứng các rào cản sẽ nâng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam |
Với kiểm dịch thực vật, các nước đòi hỏi nước XK phải cung cấp bộ tài liệu kỹ thuật rất chi tiết về thành phần dịch hại, biện pháp phòng trừ, sản lượng, phân bố vùng trồng,... Tương tự với an toàn thực phẩm, nhiều mức dư lượng đang được các nước NK quy định ở mức 0 hoặc rất thấp trong khi hệ thống sản xuất của chúng ta vẫn tương đối manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng TCKT đặt ra. Trong khi đó các doanh nghiệp (DN) XK NTS có quy mô vừa và nhỏ, năng lực đầu tư khoa học, công nghệ về bảo quản, chế biến và tổ chức vùng nguyên liệu còn yếu.
Rõ ràng, những TCKT mà các quốc gia NK đưa ra đang đòi hỏi nỗ lực thay đổi rất lớn từ không chỉ người nông dân, ngư dân, DN mà cả sự tham gia, hỗ trợ tích cực của cơ quan nhà nước quản lý đầu vào, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tạo ra khối lượng nông sản lớn, chất lượng đồng đều, giao hàng đúng lúc, đạt tiêu chuẩn…
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, không nên xem TCKT với nghĩa tiêu cực mà cần nhìn nhận đây là những luật chơi công bằng trong tiến trình hội nhập mà ở đó, các DN Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập "sân chơi" chung đều phải đáp ứng.
Về vấn đề này, ông Lê Kỳ Anh - chuyên gia Phái đoàn Liên minh châu Âu - chỉ rõ, trong lĩnh vực NTS, những TCKT là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam. Đơn cử, trong Chương các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn thực vật và kiểm dịch động vật (SPS) của Hiệp định EVFTA có nội dung coi EU là thực thể đơn nhất, các yêu cầu về NK hàng vào một nước từ một sản phẩm tương tự sẽ không được áp dụng khác đi. Bởi nếu Việt Nam cho phép NK trái táo của Pháp thì trong tương lai một trái táo tương tự từ Ba Lan không phải lặp lại yêu cầu kỹ thuật, do đã được chứng minh tại mặt hàng XK đầu tiên. Quy định này đã được áp dụng ở Việt Nam và trong tương lai sẽ được áp dụng cho hàng hóa Việt XK vào châu Âu.
Như thế, nếu đáp ứng được các TCKT có phần "khắt khe" của EU, NTS Việt có thể tự tin bước vào bất kỳ thị trường nào khác và hiệu ứng này cũng sẽ có tác dụng ngay tại thị trường nội địa khi niềm tin của người tiêu dùng sẽ tăng tương ứng và đây là cơ sở để sản phẩm nâng sức cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Người sản xuất và các nhà XK Việt Nam phải điều chỉnh hành vi của mình để phù hợp với yêu cầu trong các hiệp định thương mại, trong đó có EVFTA, nâng trách nhiệm tuân thủ các TCKT. Với cơ quan quản lý, cần rà soát, hoàn thiện các TCKT và quy hoạch, hình thành các vùng nguyên liệu lớn. |