Chợ OCOP và ẩm thực xứ Thanh năm 2024 để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân xứ Thanh ''Bắt bệnh'' lý do sản phẩm OCOP vẫn còn vắng bóng tại các siêu thị |
Tiềm năng nhiều nhưng hạn chế cũng không ít
Thanh Hóa là tỉnh lớn cả về diện tích và dân số; có cả vùng đồng bằng, ven biển và vùng trung du, miền núi, có tiềm năng phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP. Vùng đồng bằng tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP từ củ, quả tươi như dưa vàng, dưa lưới, dưa hấu; phát triển các sản phẩm chế biến như nem chua, nem nướng; các loại trà thảo dược, rau má; các loại gạo, miến gạo, bánh răng bừa...
Vùng ven biển với nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP từ thuỷ, hải sản như tôm, cá, mực, moi sấy khô, mắm tôm, mắm tép, nước mắm, mắm cáy, rạm xay. Vùng trung du, miền núi có tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP như: Măng khô, nem ống, thịt trâu gác bếp, rượu cần, mật ong, miến dong, nếp nương, hàng thủ công mỹ nghệ từ tre, luồng, vàu.
Dưa vàng, thương hiệu OCOP nối tiếng của huyện Thọ Xuân (Ảnh: QH) |
Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2024, Thanh Hoá công nhận thêm 54 sản phẩm của 49 chủ thể (8 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã, 1 Tổ hợp tác, 24 hộ sản xuất kinh doanh) thuộc 46 xã, phường, thị trấn; trong đó nhóm thực phẩm: 43 sản phẩm, nhóm đồ uống: 6 sản phẩm, nhóm thủ công mỹ nghệ, trang trí: 3 sản phẩm, nhóm thảo dược: 01 sản phẩm, nhóm sinh vật cảnh: 1 sản phẩm.
Đến nay, toàn tỉnh có 517 sản phẩm OCOP đã được công nhận (1 sản phẩm 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao, 459 sản phẩm 3 sao) thuộc 304 xã, phường, thị trấn; 384 chủ thể (76 Doanh nghiệp, 116 hợp tác xã, 11 tổ hợp tác, 181 hộ SXKD). Hiện nay, tỉnh đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, công nhận 4 sản phẩm OCOP 5 sao.
Nhiều sản phẩm OCOP khai thác lợi thế vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, như: Cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn, bánh lá răng bừa Xuân Lập; bánh gai Tứ Trụ - Thọ Xuân; nước mắm Ba Làng - Thị xã Nghi Sơn; cam Vân Du - Thạch Thành; chè lam Phủ Quảng - Vĩnh Lộc, tương Làng Ái - Yên Định...
Từ đó, duy trì, phát triển bền vững các sản phẩm bản địa, đặc trưng vùng miền, đồng thời thông qua các sản phẩm OCOP gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể để quảng, bá giới thiệu văn hoá, ẩm thực con người xứ Thanh đến với đông đảo người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, nhiều sản phẩm OCOP đã mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất, nhiều sản phẩm áp dụng máy móc, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, bảo quản, chế biến.
Đặc biệt, đã có nhiều sản phẩm OCOP khai thác được tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài, như: mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản Quảng Xương xuất khẩu đi Trung Quốc; sản phẩm từ tre của công ty TNHH sản phẩm từ cói của Công ty Việt Anh xuất khẩu tới Mỹ, chiếu cói Dũng Châu, dứa, ngô ngọt đóng hộp của Công ty Trường Tùng và Công ty xuất và thương mại Bamboo Vina đã xuất khẩu đi các thị trường Châu Âu, Mỹ; Sản Tư Thành đã xuất khẩu đi các nước Pháp, Bỉ, Canada, Nga, Hàn Quốc, Australia, sản phẩm mọi sấy Long Dương - huyện Hoằng Hoá xuất khẩu đi Trung Quốc...
Nhiều sản phẩm OCOP thủy, hải sản mang thương hiệu của tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: QH) |
Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn một số tồn tại, cản bước phát triển, bứt phá của các sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa như đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ thực hiện chương trình cấp huyện, xã hoạt động kiểm nhiệm nên chưa có nhiều thời gian cho phát triển các sản phẩm OCOP. Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên cộng đồng chưa biết và hiểu được lợi ích của chương trình đem lại.
Việc lồng ghép các nguồn kinh phí cho hoạt động của chương trình nhiều khó khăn, kinh phí từ ngân sách Trung ương, địa phương còn thấp so với nhu cầu thực tế. Việc tuân thủ, áp dụng các quy định hiện hành về quản lý chất lượng, ghi bao bì, nhãn mác còn hạn chế, chủ yếu vẫn là sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp.
Bên cạnh đó, quy trình sản xuất chưa đồng bộ, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và không chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp. Quy mô sản xuất nhỏ phục vụ thị trường hẹp, chưa đáp ứng được những đơn hàng lớn, liên tục, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế nên số lượng sản phẩm 4, 5 sao của tỉnh còn thấp.
Ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Pù Luông chia sẻ, chúng tôi có sản phẩm mật ong Pù Luông được công nhận OCOP 3 sao năm 2021. Mặc dù, sản phẩm đã được thị trường và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng nhưng do điều kiện địa lý cách trở, khả năng tiếp cận thị trường của đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế nên phần lớn sản lượng mật ong được sản xuất ra tiêu thụ theo hình thức truyền thống, tự do trên thị trường.
Gỡ rào cản, đưa sản phẩm OCOP xứ Thanh bứt phá
Từ thực tế trên, tỉnh Thanh Hóa xác định phải tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đẩy mạnh phát triển sản xuất sản phẩm OCOP theo nhu cầu thị trường là những giải pháp quan trọng để góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia liên tục đổi mới, đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. (Ảnh: QH) |
Đại diện Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết, để cụ thể hóa các giải pháp trên, đầu tiên phải là từ các chủ thể OCOP, họ cần tiếp tục nâng cao và ổn định chất lượng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất; ổn định và nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP; đây mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; nâng cao năng lực trong quản trị và điều hành sản xuất; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại; chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quảng bá và xúc tiến thương mại; xúc tiến thương mại tại thị trường quốc tế.
Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các chủ thể OCOP tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP như đa dạng hóa kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP; đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại; đào tạo kỹ năng marketing, bán hàng trực tuyến cho chủ thể OCOP; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu thương mại điện tử kết nối sản phẩm OCOP; đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá về sản phẩm OCOP tới người dùng; đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu thị trường các sản phẩm OCOP; xây dựng, hình thành các tổ chức của các chủ thể, đối tác; đầu tư phát triển logistics về thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP; xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Thanh Hóa cần tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại để có thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ hàng hóa. (Ảnh: QH) |
Riêng với các sở, ban ngành cấp tỉnh, cần tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và toàn xã hội về chương trình và các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP ở thị trường trong nước và quốc tế; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình OCOP ở các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Chương trình OCOP; ưu tiên triển khai một số giải pháp trọng tẩm nhằm hỗ trợ nâng cấp chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; hỗ trợ đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch.
Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất như: nguyên liệu đầu vào, con người, cơ sở sản xuất, sản phẩm cuối đưa ra thị trường đều phải được chuẩn hóa, có tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận VietGAP, GMP, HACCP... vì đây là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm mang lại niềm tin cho khách hàng, tạo cơ hội đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Phạm Văn Sinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn chia sẻ, hàng năm, các sở, ngành của tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số, hướng dẫn các phương pháp bán hàng trên TikTok shop. Trong đó có các giải pháp để tiếp cận, xây dựng thương hiệu bán hàng trên nền tảng TikTok; cách tạo tài khoản TikTok; vào các đường link đăng nhập bán hàng... Qua đó, sản phẩm OCOP của địa phương đã được tiêu thụ rộng rãi hơn.