Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Nhận thức của doanh nghiệp về phòng vệ thương mại là chưa tới
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, nguy cơ xung đột lợi ích giữa hàng nhập khẩu với hàng hóa cùng loại được sản xuất tại nước nhập khẩu sẽ lớn hơn và khả năng châm ngòi cho các cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu sẽ cao hơn. Tính đến nay, đã có 234 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Báo Công Thương.
(Ảnh: Danh Lam/TTXVN) |
Thời gian qua cùng với quá trình hội nhập kinh tế, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng bị điều tra nhiều vụ việc phòng vệ thương mại. Ông đánh giá gì về vấn đề này?
Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến bối cảnh quốc tế khá phức tạp, song song với đó là quá trình toàn cầu hóa, cùng với đó là sự phân mạch kinh tế, bảo hộ thương mại nhiều dẫn tới nảy sinh nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại.
Đối với Việt Nam, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng, sự tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu tăng trưởng đồng nghĩa đối diện nhiều vụ việc phòng vệ thương mại, đây là một trong các áp lực cho Chính phủ và cả doanh nghiệp.
Đáng chú ý, các vụ việc thường gắn liền với điều tra chống bán phá giá, lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, gian lận thương mại… cho thấy Việt Nam đang có những lợi thế rất tốt về xuất xứ hàng hoá, nhưng đồng thời cũng rất dễ bị lạm dụng, dễ bị kiện nếu quản lý không tốt.
Điều tra phòng vệ thương mại gia tăng sẽ gây bất lợi như thế nào đến hoạt động xuất khẩu, thương hiệu hàng Việt, thưa ông?
Bất cứ mặt hàng nào bị điều tra phòng vệ thương mại và dẫn tới bị áp thuế đều sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp, các doanh nghiệp xuất khẩu bị giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn tới mất uy tín về thương hiệu, thị phần tại thị trường quốc tế. Đặc biệt, phải mất chi phí lớn để theo đuổi các vụ việc.
Đặc biệt, đối với nước có hạn ngạch xuất khẩu, nếu chúng ta tiếp tay cho gian lận xuất xứ, bán phá giá, ngoài việc bị mất hết hạn ngạch còn buộc phải xuất khẩu với mức thuế cao hơn từ thị trường.
Không chỉ vậy, các vụ việc còn gây bất lợi cho Việt Nam khi rơi vào tầm ngắm, nằm trong danh sách điều tra phòng vệ thương mại. Từ các thiệt hại đó, bản thân doanh nghiệp phải ý thức trách nhiệm của mình trong việc tránh lợi ích nhóm, tiếp tay cho các mặt hàng “mượn đường” xuất khẩu gây cản trở cho xuất khẩu hàng hoá của mình.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong |
Có thể nói, các thiệt hại khi bị thị trường xuất khẩu điều tra phòng vệ thương mại là rất lớn, vậy ông có đánh giá gì về nhận thức của doanh nghiệp trong nước đối với biện pháp này?
Thực tế, dù có những chuyển biến tích cực đối với các biện pháp phòng vệ thương mại nước ngoài và trong nước. Tuy nhiên, qua các vụ điều tra thuế từ thị trường quốc tế cho thấy những nhận thức của doanh nghiệp về phòng vệ thương mại cho đến nay là chưa tới.
Trong hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp thường chủ quan, không cập nhật, quan tâm, tìm hiểu quy định của thị trường; đồng thời coi hàng rào kỹ thuật trong nước là phù hợp quốc tế khiến hàng hoá thường xuyên bị trả về, thậm chí mất thị trường.
Đối với phòng vệ thương mại trong nước, doanh nghiệp hầu hết bị là động. Thông thường, khi bị làm giả và bị bán phá giá, doanh nghiệp hầu hết tự mình giải quyết, sự hỗ trợ, thể hiện vai trò của hiệp hội ngành hàng không rõ nét trong khi nguồn lực của doanh nghiệp rất hạn chế. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp thường bị xé lẻ trước áp lực cạnh tranh từ nước ngoài, dẫn tới tình trạng bị thua ngay trên sân nhà.
Từ các thách thức của các vụ điều tra phòng vệ thương mại tại nhiều quốc gia, chúng ta cần triển khai các biện pháp nào để chủ động ứng phó, duy trì dòng chảy xuất khẩu của hàng hoá, thưa ông?
Trước hết, theo tôi đòi hỏi cơ quan quản lý phải gia tăng các biện pháp để bảo vệ ngành sản xuất, tránh gian lận thương mại, xuất xứ; phải nhận diện nhiều hơn nữa hàng rào kỹ thuật của các nước, tính chất của các cuộc khởi kiện về phòng vệ thương mại để chủ động đưa ra các phương án, kịch bản ứng phó nhanh chóng, hiệu quả.
Mặt khác, cần phải hướng dẫn, đưa ra các quy định nghiêm ngặt về sản xuất đối với doanh nghiệp trong nước phù hợp với các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế để giảm thiểu các vi phạm, dẫn tới bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Từ đó mới mang lại thuận lợi trong xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường quốc tế.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xây dựng hàng rào phòng vệ thương mại trong nước vững chắc và được kiểm soát, cập nhật thường xuyên để đảm bảo hiệu ứng, hiệu quả trên thực tế, tránh gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước cũng như môi trường đầu tư trong nước.
Đối với Bộ Công Thương cần phải bám sát được lộ trình của các nước có các FTA với Việt Nam để nắm bắt được các yêu cầu về xuất khẩu, qua đó giảm thiểu tranh chấp phòng vệ thương mại; kịp thời công bố các thông tin cho doanh nghiệp biết và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất phù hợp; xây dựng các quy định để doanh nghiệp trong nước áp dụng và buộc phải áp dụng, từ đó tạo sự tuân thủ các quy định đối với hàng xuất khẩu để giảm các tranh chấp, cũng như các nguy cơ thiệt hại từ hàng rào phòng vệ thương mại.
Xin cảm ơn ông!