Nâng chất thị trường lao động ngoài nước: Góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững Làm rõ 5 điểm hạn chế của thị trường lao động Việt Nam |
Trong phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố phía Bắc vừa diễn ra đồng bộ tại Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn và Ninh Bình, đã có 41.282 chỉ tiêu tuyển dụng của 117 đơn vị tại phiên này.
Doanh nghiệp ở Bắc Giang có nhu cầu tuyển dụng cao nhất, với 31.600 chỉ tiêu; tiếp đó là Ninh Bình, với 4.069 chỉ tiêu; Thái Nguyên 3.820 chỉ tiêu; Hà Nội 1.096 chỉ tiêu...
Qua kết quả tổng hợp cho thấy, nhu cầu tuyển dụng công nhân điện tử có số lượng lớn nhất 21.900 chỉ tiêu; công nhân sản xuất - lắp ráp 8.265 chỉ tiêu; công nhân may 5.787 chỉ tiêu…
Chênh lệch thị trường lao động còn lớn |
Các vị trí tuyển dụng đa dạng như: Trưởng, phó các phòng ban, nhân viên kinh doanh - marketing, công nhân sản xuất linh kiện điện tử, công nhân cơ khí, nhân viên kỹ thuật, bảo vệ - tạp vụ, lái xe, công nhân may, nhân viên bán hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng, kế toán…; bao gồm các cấp trình độ cao đẳng - đại học, trung cấp - công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông, với mức thu nhập từ 5 – 15 triệu đồng, tùy vào trình độ và vị trí việc làm.
Theo phản ánh từ nhiều địa phương và doanh nghiệp, tình trạng thiếu lao động, việc tìm nhân lực vẫn đang gặp khó, chưa đáp ứng được nhu cầu. Đơn cử tại Bắc Ninh, từ đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có đơn hàng mới và đang tuyển thêm lao động phục vụ sản xuất. Dù doanh nghiệp tuyển dụng nhiều kênh nhưng đến nay, nguồn lực vẫn chưa đáp ứng đủ, nhiều vị trí việc làm vẫn chờ người.
Trước đó, tại Ngày hội việc làm dành cho lao động nữ năm 2024 diễn ra ở thị xã Quế Võ (Bắc Ninh), có gần 30 doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển trên 5.000 lao động; trong đó lao động phổ thông chiếm hơn 96%. Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động cao như Công ty TNHH KHKT GOERTEK VINA tuyển 1.000 công nhân sản xuất linh kiện điện tử; Công ty TNHH DREMTECH Việt Nam tuyển 2000 công nhân; Tập đoàn Foxconn Hồng Hải tuyển gần 300 nhân viên…
Còn tại tỉnh Bắc Giang, 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển dụng được trên 20.000 lao động. Việc tuyển dụng lao động diễn ra tương đối thuận lợi, tuy nhiên so với số lượng đặt ra vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nhiều đoàn đi xúc tiến thu hút lao động tại các tỉnh như Lạng Sơn, Sơn La, Cao Bằng, Hòa Bình và tổ chức đoàn đi xúc tiến thu hút lao động chất lượng cao tại các trường đại học.
Đánh giá của giới chuyên gia, thị trường lao động đang đối mặt với bài toán khó là nghịch lý giữa nhu cầu tuyển dụng và nguồn nhân lực đang thất nghiệp. Trên thực tế, trong khi một số lao động vẫn thất nghiệp thì trong doanh nghiệp lại có nhiều vị trí việc làm bị bỏ trống do không tìm được người phù hợp về kỹ năng, độ tuổi, tay nghề… Mặt khác, nhiều lao động thất nghiệp đã ở tuổi ngoài 35 nên khó xin việc, vì sức khỏe không đảm bảo, kỹ năng làm việc hạn chế… là nguyên nhân khiến nhiều lao động khó xin được việc, trong khi doanh nghiệp vẫn thiếu lao động.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhấn mạnh: Hạnh phúc của người lao động là có việc làm, song để “giữ chân” được người lao động thì người sử dụng lao động cần có chính sách hỗ trợ, ngoài mức lương, thưởng phải đầu tư nâng cao tay nghề cho người lao động. Mặt khác, người lao động cũng cần trau dồi nâng cao kỹ năng, chất lượng lao động.
Trước thực tế này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định, góp phần phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác; tập trung đào tạo nhân lực một số lĩnh vực mới nổi, kĩ sư, chíp bán dẫn hydrogen và nhân lực tín chỉ cacbon…
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung yêu cầu, cần tập trung nâng cao năng lực phân tích, chủ động dự báo cung cầu việc làm, việc làm mới, việc làm bền vững, việc làm thỏa đáng; tăng cường đối thoại chính sách, xây dưng quan hệ hài hòa ổn định và phát triển tiến bộ.