Tìm lời giải cho sự mất cân đối thị trường lao động Nhật Bản dẫn đầu thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam |
Tín hiệu tích cực
Số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho thấy: 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 78.024 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 62,4% kế hoạch năm và đạt 107% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước - cho biết: Một số thị trường ngoài nước tiếp nhận lượng lớn lao động Việt Nam như: Nhật Bản 40.597 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) 27.350 lao động, Hàn Quốc 5.565 lao động, Trung Quốc 1.081 lao động, Singapore 609 lao động, Rumani 379 lao động, Hungary 264 lao động, Ba Lan 196 lao động, Ả rập xê út 317 lao động, Canada 39 người…
Lao động Việt Nam nhập cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). Ảnh: TTXVN |
Qua thống kê cho thấy, thu nhập của người lao động khá cao và ổn định, dao động từ 1.200 – 1.600 USD/tháng tại Nhật Bản và Hàn Quốc; 800 - 1.200 USD/tháng tại Đài Loan và các nước châu Âu; 700 – 1.000 USD/tháng đối với lao động có nghề và 500 – 600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở địa bàn Trung Đông, châu Phi.
Bên cạnh top 3 thị trường đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam hiện nay là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, thì các thị trường khác cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam như Rumani, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Serbia, Australia...
Mới đây, Trung tâm Lao động ngoài nước và Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka (Nhật Bản) đã ký kết hợp đồng cung ứng thực tập sinh kỹ năng ngành nghề hộ lý. Điều này mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho người lao động; đồng thời góp phần tạo cơ sở bền vững cho việc mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong ngành chăm sóc sức khỏe.
Trước đó, Việt Nam và Australia cũng đã ký bản ghi nhớ đưa lao động đi làm việc trong ngành nông nghiệp theo chương trình PALM (The Pacific Australia Labour Mobility). Hai quốc gia thống nhất triển khai kế hoạch hỗ trợ cho 1.000 lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo chương trình này. Việt Nam và Australia đang hoàn thiện tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp cho công tác đưa lao động đi làm việc tại Australia.
Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ người lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một bộ phận của hợp tác quốc tế, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với các nước.
Tính đến nay, đã có hơn 40 thị trường tiếp nhận người lao động Việt Nam. Đáng ghi nhận, thị trường lao động không ngừng được mở rộng, nhất là các thị trường có mức thu nhập cao và điều kiện lao động tốt. Tại nhiều thị trường lao động, người lao động Việt Nam đang giữ vai trò quan trọng trong lực lượng lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mỗi năm gửi về nước khoảng 3,5 - 4 tỷ USD kiều hối, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
Bảo đảm chất lượng lao động
Thời gian tới, cánh cửa để người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc được dự báo sẽ rộng mở hơn, với nhiều sự lựa chọn, đa dạng ngành nghề và thu nhập cao hơn.
Riêng với thị trường Hàn Quốc, bà Phạm Ngọc Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Cục Quản lý lao động ngoài nước) – cho biết: Phía Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đã có công hàm thông báo đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến phân bổ cho Việt Nam gần 10 nghìn lao động ngành sản xuất chế tạo trong tổng số 165 nghìn tổng số lao động tiếp nhận (trong đó chưa tính các ngành như nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và một số hạn ngạch khác).
Năm nay, Hàn Quốc không chỉ tiếp nhận lao động có tay nghề hàn mà bổ sung thêm ngành khuôn mẫu, với tổng số dự kiến khoảng 400 người (trong đó 300 người nghề hàn và 100 người ngành khuôn mẫu).
“Trung tâm Lao động ngoài nước đã báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và trên cơ sở giới thiệu của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp gửi văn bản tới các hệ thống trường cao đẳng, trung cấp đào tạo 2 nghề này để thông báo tuyển đối tượng lao động này. Thời gian tiếp nhận hồ sơ dự kiến đến ngày 5/7 tới đây kết thúc”, bà Lan cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì thị trường lao động ngoài nước vẫn có hạn chế cố hữu như: Chi phí đi làm việc ở nước ngoài cao; công tác quản lý, bảo hộ công dân đối với lao động Việt Nam tại các nước, vùng lãnh thổ còn nhiều bất cập; năng lực của một số tổ chức, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu...
Bởi vậy, giới chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường. Đáng chú ý, doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nghề, kỹ năng cho người lao động trước khi đưa họ đi làm việc.
Bà Phạm Ngọc Lan cho biết thêm: "Việc mong muốn đi làm việc tại nước ngoài nói chung và tại Hàn Quốc nói riêng đang là thị trường có mức thu nhập cao nhất trong hơn 40 quốc gia vùng lãnh thổ mà Việt Nam đưa lao động đi làm việc có hợp đồng. Bởi thế, người lao động tìm các biện pháp có thể thi đỗ Tiếng Hàn để được hồ sơ hợp lệ, tuy nhiên chúng tôi tiếp tục triển khai các biện pháp thi tuyển công khai, công bằng, minh bạch, đảm bảo nhất cho người lao động".
Hiện có gần 45.000 lao động đăng ký kỳ thi tiếng Hàn để thi tuyển sang Hàn Quốc làm việc ở các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp (chỉ tiêu là 15.374 lao động). Trung tâm Lao động ngoài nước đã hoàn thành công tác tổ chức kỳ thi tiếng Hàn và tay nghề cho người lao động trong các ngành nông nghiệp và ngư nghiệp. Kết quả có 3.034 lao động trong ngành ngư nghiệp và 895 lao động ngành nông nghiệp đạt yêu cầu, nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển.
Trung tâm đang phối hợp với HRD Korea tổ chức kỳ thi tiếng Hàn cho người lao động trong ngành sản xuất chế tạo, kỳ thi kết thúc vào ngày 22/6 và dự kiến kỳ thi tay nghề sẽ được tổ chức từ ngày 20/7/2024.
Năm nay, Trung tâm lao động ngoài nước phối hợp với HRD Korea tại Việt Nam tổ chức kỳ thi không chỉ ở 3 địa điểm: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh như mọi năm mà còn thí điểm thêm tại tỉnh Thanh Hóa. Tại điểm thi Thanh Hóa đã tổ chức ngày 22/5, trung tâm phối hợp với an ninh thực hiện khóa sóng điện thoại đã giải quyết triệt để được vấn đề đem thiết bị nghe lén để làm bài thi.
Ông Phạm Viết Hương cho biết thêm: Trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã chủ động phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tình hình lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo định kỳ hàng tháng; thông tin cảnh báo, ngăn chặn lừa đảo lao động đi làm việc tại một số thị trường, ngành nghề như Australia (trong lĩnh vực nông nghiệp); Hàn Quốc (trong lĩnh vực dịch vụ theo thị thực E9)…
Đồng thời, khuyến cáo tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài xảy ra trên môi trường mạng; thông tin hướng dẫn và tư vấn người lao động về những sự chuẩn bị cần thiết và các kênh/hình thức để đảm bảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, an toàn và hiệu quả.
Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình ngành nghề công việc như: Sản xuất, chế tạo (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử...); xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình) với điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm. |