Sáng ngày 15/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị "Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ".
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, sản lượng thịt gia súc ăn cỏ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thịt lợn và gia cầm. Trong năm 2018, sản lượng thịt gia súc ăn cỏ sản xuất trong nước chỉ chiếm 8,60% tổng sản lượng thịt các loại. Cả nước hiện sản xuất khoảng 5,5 triệu tấn thịt các loại, trong đó hơn 70% là thịt lợn. Thói quen ăn thịt lợn dẫn đến tập trung sản xuất thịt lợn lớn, điều này khiến ngành chăn nuôi phải đối diện với nhiều rủi ro về dịch bệnh, môi trường và mới đây nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương.
Chăn nuôi gia súc ăn cỏ còn nhiều "dư địa" trong phát triển |
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - cho hay, mức tiêu thụ thịt bò của Việt Nam thấp hơn mức tiêu thụ thịt bò trung bình của thế giới và một số nước, khu vực xung quanh như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU. Mức tiêu thụ sữa của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực như: Indonesia; Philippines nhưng thấp hơn rất nhiều mức tiêu thụ sữa trung bình của thế giới. Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi bò thịt và ngành sữa Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, chăn nuôi gia súc ăn cỏ với quy mô nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao ảnh hưởng không nhỏ tới việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi và công tác kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu thấp khiến ngành thiếu đi động lực để phát triển. Sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm là những nút thắt cần phải được tháo gỡ kịp thời trong thời gian tới.
Để ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ phát triển, các đại biểu cũng đề xuất cần có thêm các cơ chế, chính sách về đất đai, nguồn vốn cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết với các hộ chăn nuôi hướng đến sản xuất hàng hóa lớn.
Đề cập đến giải pháp về thúc đẩy phát triển thị trường, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản - phân tích, đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thịt và sữa cần xác định các thị trường mục tiêu trong nước và quốc tế để phát triển. Theo đó, cần khai thác thị trường nội địa chia phân khúc thị trường khi xác định mục tiêu sản xuất và kinh doanh thịt bò đặc sản. Đây là những nhóm sản phẩm chất lượng cao chưa bị cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu. Các phân khúc còn lại cũng cần phân loại sản phẩm để hướng tới những nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Đối với thị trường quốc tế trước mắt ưu tiên sản phẩm sữa chế biến đối với những thị trường có giá trị cao. “Ngay trong tuần này, Cục sẽ trình lãnh đạo Bộ về triển khai đối với Nghị định thư của Trung Quốc về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc”, ông Toản nói.
Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ tự phát tận dụng, manh mún đến nay ngành chăn nuôi đã có chuyển biến lớn với sức sản xuất 1 năm khoảng 5,5 triệu tấn thịt các loại, 11 tỉ quả trứng, 1 triệu tấn sữa đáp ứng nhu cầu khoảng 100 triệu dân. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ còn có nhiều "dư địa" để thúc đẩy phát triển. Cụ thể là nhu cầu tiêu thụ thịt bò trong nước khoảng 3kg/người/năm, trong khi ở khu vực châu Á là hơn 5kg, còn ở một số quốc gia phát triển là hơn 9kg. Tương tự với nhu cầu bình quân sử dụng sữa trung bình ở khu vực châu Á là 81kg/năm, thế giới là 120kg, trong khi ở Việt Nam là 20kg, đây là lợi thế để ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ định hướng tổ chức lại sản xuất thời gian tới. Nhất là khi Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
“Cần tiếp cận theo hướng khai thác dư địa, tiềm năng lợi thế sẵn có, đây là nội dung của tái cơ cấu dịch chuyển trong nông nghiệp theo hướng phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, thích ứng biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.