Không để bỏ lỡ cơ hội từ EVFTA
Trong Liên minh châu Âu (EU), Italy là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, chỉ đứng sau Hà Lan, Đức và Pháp. Nếu trừ phần nhập khẩu vào Đức, Pháp và Hà Lan để trung chuyển đi nước khác thì vị trí của Italy sẽ còn cao hơn.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ nhất trong số những nước Italy nhập khẩu hạt điều bóc vỏ |
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 3,27 tỷ USD; trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Italy đạt hơn 2,2 tỷ USD, và nhập khẩu từ Italy 1,07 tỷ USD. Trong 11 tháng từ khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực (từ tháng 8/2020 đến hết tháng 6/2021), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và Italy đạt 7,8 tỷ USD, tăng 22,8% so với giai đoạn cùng kỳ trước khi có EVFTA (từ tháng 8/2019 đến hết tháng 6/2020). Trong đó, mặt hàng thủy sản đạt 244 triệu USD, tăng 57% so với giai đoạn cùng kỳ trước khi có EVFTA.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Italy bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiên, máy móc, dụng tùng, hàng thủy sản, cà phê, dệt may, giày dép... Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia đứng thứ nhất trong số những nước Italy nhập khẩu hạt điều bóc vỏ (mã HS: 080132), chiếm khoảng 60-70% tổng kim ngạch nhập khẩu hạt điều của Italy.
Căn cứ vào nhu cầu thị trường của nước sở tại, Thương vụ Việt Nam Italy cho biết, với lợi thế từ Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển hơn nữa các mặt hàng nông sản, thủy sản, gạo... tại thị trường này. Đơn cử như hàng thủy sản, có tới 51,8% các dòng thuế thuộc Chương 3 trong biểu mã HS hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu tại EU ngay khi EVFTA có hiệu lực… Hay chè, cà phê, 100% số dòng thuế được xóa bỏ về 0%; quế, hoa hồi, hạt tiêu, hạt điều, hoa quả thì có tới 86,3% số dòng thuế sẽ về 0%.
Đặc biệt, đối với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan TRQ 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, không áp dụng hạn ngạch. Trong khi đó, Italy là quốc gia xuất nhập khẩu gạo khá lớn ở EU. Tuy nhiên, mặt hàng gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này mới chỉ chiếm 3,1% thị phần nhập khẩu gạo của Italy. Như vậy, vẫn còn nhiều dư địa để mặt hàng gạo thúc đẩy, phát triển tại thị trường này.
Thương vụ Việt Nam tại Italy cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm tận dụng để không bỏ lỡ những ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại.
Vẫn gặp khó
Mặc dù có nhiều cơ hội vào thị trường này, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Italy.
“Các khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi xuất khẩu sang thị trường EU cũng tương tự như những vướng mắc khi làm việc với doanh nghiệp Italy như: Các tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định về chứng nhận, bao bì...”- đại diện Thương vụ Việt Nam tại Italia chia sẻ.
Ngoài ra, khi làm ăn thương mại với các doanh nghiệp Italy, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp một số khó khăn khác như môi trường pháp lý rất phức tạp và đôi khi thiếu sự minh bạch, rõ ràng và hiệu quả; các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, an toàn hoặc về môi trường được đưa ra các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật cao, đôi khi còn cao hơn cả những yêu cầu cơ bản của EU.
Ngôn ngữ cũng là một trở ngại với các doanh nghiệp Việt Nam vì theo truyền thống thương mại, người Italia thường sử dụng tiếng Ý vốn đã quen với các đối tác ở châu Âu, Nam Mỹ và châu Phi là nơi có nhiều người châu Âu, người gốc Italia kinh doanh.
Các doanh nghiệp Việt Nam lớn, doanh nghiệp FDI đang có quan hệ kinh doanh với các doanh nghiệp đa quốc gia và của Italy đã có thị trường tương đối ổn định. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam với quy mô sản xuất còn nhỏ, giá cả và mẫu mã vẫn khó cạnh tranh được với hàng hóa một số nước khác. Thương vụ Việt Nam tại Italia khuyến nghị, để phát triển kinh doanh tại thị trường này, doanh nghiệp cần am hiểu về thị trường sản phẩm dự định xuất khẩu, tìm hiểu thị phần đối thủ cạnh tranh của sản phẩm đó: Bên cạnh đó, cần tìm hiểu và đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, ngay từ khẩu vị, bao bì, an toàn thực phẩm, và hàng hóa muốn xuất sang Italy cần tuân thủ các tiêu chuẩn rất cao về lao động, môi trường...
Đặc biệt, khi giao dịch xuất nhập khẩu với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Italy, doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng, vì đã có một số công ty gặp trường hợp bị lừa đảo.
Hiện Thương vụ đang phải hỗ trợ một số doanh nghiệp Việt Nam bị lừa như: Công ty Italy nhận tiền đặt cọc và không giao hàng, hoặc chỉ đặt cọc một phần cho công ty Việt Nam giao hàng sang Italy và doanh nghiệp Italy tìm cách lấy hàng mà không thanh toán nốt phần còn lại...
Thời gian tới, Thương vụ sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động triển khai EVFTA, phối hợp với Nhà chuẩn bị Phiên họp thứ VII, Ủy ban Hỗn hợp Kinh tế Việt Nam - Italy năm 2021 họp tại Roma, Italy; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm đối tác; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đòi tiền hàng, đòi giao hàng và các vụ việc gian lận khác...