Cần Thơ: Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng
Theo Cục Thống kê TP. Cần Thơ, trong tháng 9/2024, hoạt động sản xuất công nghiệptrên địa bàn ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 1,76% so với tháng trước và tăng 18,74% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, các ngành công nghiệp trọng điểm như chế biến, chế tạo và sản xuất điện đều có đóng góp tích cực, lần lượt tăng 21,21% và 7,26% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp của TP. Cần Thơ tiếp tục đà tăng trưởng. Ảnh M.H |
Đáng chú ý, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Phân khoáng và phân hóa học NPK tăng hơn 2 lần; quần áo may sẵn tăng 93,37%; đinh, đinh mủ, ghim dập tăng 35,29%; thức ăn gia súc tăng 19,99%; phi lê đông lạnh tăng 17,10%; thuốc lá có đầu lọc tăng 13,31%; tôm đông lạnh tăng 9,76%; nước ngọt (Coca-Cola, 7 Up ...) tăng 4,37%; xay xát gạo tăng 3,18%.
Tuy nhiên, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ như: Sắt thép giảm 0,66%; xi măng giảm 1,18%; dược phẩm chứa hóc-môn nhưng không có kháng sinh dạng viên giảm 2,34%; nước yến và nước bổ dưỡng khác giảm 2,67%; bia đóng lon giảm 4,98%; thức ăn thủy sản giảm 27,93%.
Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số IIP của thành phố ước tăng 8,02% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 tăng 2,99%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,41%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,52%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,33%.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước tháng 9/2024 tăng 1,22% so với tháng trước, tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước. Lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước ước giảm 0,15% so với tháng trước và giảm 0,29% so với cùng kỳ; doanh nghiệp ngoài nhà nước ước tăng 0,12% so với tháng trước và giảm 9,98% so với cùng kỳ; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tăng 2,52% so với tháng trước và tăng 31,36% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của một doanh nghiệp sản xuất đế giày có vốn nước ngoài, doanh nghiệp đang tuyển thêm lao động phục vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị trong những tháng cuối năm khi đơn đặt hàng của khách hàng ngày một nhiều hơn. Vì vậy, lao động của doanh nghiệp có vốn nước ngoài tăng so với cùng kỳ năm trước.
Về thu hút đầu tư trong nước (ngoài khu công nghiệp), trong tháng 9/2024, TP. Cần Thơ không có dự án mới, chỉ điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 1 dự án. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, thành phố có 4 dự án mới, với vốn đầu tư đăng ký 727,635 tỷ đồng (2 dự án được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, 2 dự án cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư); điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 5 dự án (1 dự án giảm quy mô và 4 dự án điều chỉnh tiến độ thực hiện); thu hồi 1 dự án.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong tháng 9/2024, TP. Cần Thơ không cấp dự án mới và có 1 dự án chuyển sang đầu tư trong nước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, thành phố cấp mới 3 dự án, với vốn đăng ký 622.757,5 USD; tăng vốn cho 1 dự án, với số vốn tăng thêm 0,36 triệu USD; chấm dứt hoạt động 1 dự án, vốn đăng ký 150.000 USD.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố hiện có 82 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.231,74 triệu USD (trong khu công nghiệp 29 dự án, tổng vốn đăng ký 612,33 triệu USD; ngoài khu công nghiệp 53 dự án, tổng vốn đăng ký 1.619,41 triệu USD).